Cận Tết, hàng loạt ATM "đổ bệnh"

Tiền trong tài khoản bị trừ nhưng ATM vẫn không “nhả tiền”, thẻ đút vào bị nuốt nhưng không giao dịch được, nhiều trụ ATM dán thông báo “hết tiền” hoặc “đang sửa chữa”… là những “bệnh” của ATM ngày giáp Tết.

Đến hẹn lại… kẹt

Vé xe đã mua sẵn, đồ đạc cũng chuẩn bị xong, chỉ cần rút tiền là lên đường về quê ăn Tết. Thế nhưng, sáng 1/2, anh Phạm Đình Hoàng - chủ tài khoản 060011500098.... của Ngân hàng Sacombank đến cây ATM cạnh phòng giao dịch Lê Văn Quới (quận Bình Tân, TPHCM) để rút 10 triệu đồng nhưng không được.

“Sau khi nhận được thông báo giao dịch thành công trên điện thoại, chờ hoài không thấy tiền, tôi gọi bảo vệ và thông báo với nhân viên phòng giao dịch. Nhân viên cho biết sẽ trả lời sau 15h cùng ngày”- anh Hoàng kể. Thế nhưng, đến hết giờ ngân hàng làm việc mà anh Hoàng vẫn chưa nhận lại được tiền.

Cận Tết, hàng loạt ATM "đổ bệnh" - 1

Người dân rút tiền trong khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) gặp nhiều trụ ATM “lâm bệnh” ngay trước dịp Tết. Ảnh: Việt Văn

Anh Võ Minh Hoàng (quận 7, TPHCM) vào trụ ATM của Ngân hàng Vietcombank trong khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) để rút tiền thì trụ ATM không nhận thẻ mà cứ “ngậm” một nửa thẻ và “nằm lì” như vậy. Bên cạnh trụ anh Hoàng rút tiền, nhiều cây ATM cũng gặp trục trặc, cáo “bệnh” với tấm bảng to tướng ghi “Máy tạm ngưng hoạt động”.

Trong khi đó, vào đầu giờ chiều 2/2, chị Hạnh, công nhân khu chế xuất Tân Thuận cũng đến đây rút tiền nhưng khi đưa thẻ vào trụ ATM đầu tiên thì máy không giao dịch, chị chuyển sang trụ ATM khác thì máy lại không nhận thẻ: “đi đâu cũng gặp ATM trục trặc. Chạy tới chạy lui phát mệt”, chị Hạnh thở dài.

Tình trạng ATM “lâm bệnh” cũng diễn ra ở nhiều tuyến đường của quận 4. Trụ ATM duy nhất trên đường Khánh Hội nằm trước số nhà 130 cũng “lâm bệnh” thông báo ngưng hoạt động và đề nghị khách tìm trụ ATM gần nhất. Vào chiều 2/2, hàng loạt trụ ATM ở nhiều tuyến đường trung tâm thành phố như trên đường Trần Hưng Đạo, Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi (quận 1) cũng tạm ngưng hoạt động… 3 trụ ATM của Ngân hàng VPBank trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đồng loạt tạm dừng giao dịch.

Chống “nghẽn” được không?

Theo anh Phạm Đình Hoàng, sau 24 giờ từ khi ATM nuốt thẻ trừ tiền nhưng không nhả tiền, Sacombank mới chuyển lại tiền vào tài khoản của anh. Ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank, nói những ngày giáp Tết giao dịch thẻ thường tăng rất cao, có ngày tăng 3-4 lần so với ngày thường nên theo người này thi thoảng vẫn xảy ra trục trặc. “Để phục vụ tốt hơn, Sacombank đã triển khai chức năng tiếp nhận yêu cầu tại ATM cho phép khách hàng gửi yêu cầu, khiếu nại từ hệ thống ATM hoạt động 24/24 giờ cũng như trợ giúp khách hàng khi có sự cố xảy ra, kể cả trong dịp lễ tết”, ông Phúc nhấn mạnh.

Dù đã chủ động về phương tiện và nhân lực nhằm khắc phục các sự cố liên quan đến ATM như lỗi kỹ thuật, máy hết tiền nhưng các ngân hàng đều thừa nhận rất lo lắng khi chủ thẻ đồng loạt rút tiền qua ATM ngày thời điểm cận Tết. Theo đại diện Vietinbank, cả nước hiện có hơn 85 triệu thẻ ATM với trên 16.000 trụ, riêng TPHCM là hơn 4.200 máy đang hoạt động nên chỉ cần 10% chủ thẻ cùng rút tiền vào giờ cao điểm thì khả năng gặp sự cố hoặc quá tải là khó tránh khỏi.

Giải pháp mà ngân hàng này từng đưa ra là đề nghị doanh nghiệp chi trả lương, thưởng cho công nhân qua nhiều đợt chứ đừng dồn hết vào cuối năm. Đồng thời, khuyến khích khách hàng thực hiện giao dịch thanh toán qua máy POS để tận dụng tiện ích của thẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm không dùng tiền mặt và thông qua đó giảm tải cho hệ thống ATM.

Một số ngân hàng còn khuyến cáo khách hàng từ 17 giờ đến 20 giờ mỗi ngày trong các ngày từ 2 đến 6/2 (24 đến 27 tháng Chạp) là thời điểm lượng khách rút tiền tăng mạnh. Vì vậy chủ thẻ nên hạn chế giao dịch vào những thời điểm này để tránh xảy ra sự cố do quá tải khi giao dịch qua ATM.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TPHCM cho biết: “Vừa có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM triển khai kế hoạch đảm bảo hoạt động hệ thống ATM đã xây dựng trước đó. Theo đó, trong tuần làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết, các tổ chức tín dụng cần tăng cường khâu giám sát tình trạng hoạt động của các máy ATM bằng phần mềm cũng như cử cán bộ đi kiểm tra các ATM, nhất là các ATM ở khu công nghiệp và chế xuất, có giải pháp kịp thời xử lý khi ATM bị trục trặc, nâng cấp hạn mức tồn quỹ và số tiền nạp mỗi lần cho ATM”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương - Văn Minh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN