Bội chi gần 200 ngàn tỷ đồng

Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày sáng 21/10, cho thấy, thu ngân sách năm 2013 khó khăn, tổng thu ước đạt 96,9%; tổng chi ước đạt 100,8% dự toán. Do vậy, bội chi khoảng 5,3% GDP, vượt xa mức trần bội chi không quá 4,8% GDP do Quốc hội ấn định từ đầu năm.

Bội chi ngân sách để trả nợ và phát triển

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014- 2015.

Bội chi gần 200 ngàn tỷ đồng - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ sáng 21/10. Ảnh: Ngọc Thanh.

Theo đó, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ.

Năm 2013, bội chi khoảng 5,3% GDP. “Nhìn lại việc thực hiện kế hoạch năm 2013, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 11 chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt và 2 chỉ tiêu không đạt”, Thủ tướng cho biết.

Hai chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (đạt 29,1% so với kế hoạch 30%) và tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước/GDP (5,3% so với kế hoạch 4,8%). Hai chỉ tiêu xấp xỉ đạt là tăng trưởng GDP (đạt 5,4% so với kế hoạch 5,5%) và tạo việc làm (tạo được 1,54 triệu việc làm so với kế hoạch 1,6 triệu).

Thủ tướng cho biết, dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2013 đạt khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%). Tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt mức khoảng 12 tuần nhập khẩu, tăng từ 6 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2010 lên 6,5 tuần vào cuối năm 2011 và khoảng 12 tuần vào cuối năm 2012 và 2013.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, nợ xấu còn cao (đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%). Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%).

Báo cáo cho thấy “Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2013 ước đạt 986.300 tỷ đồng, tăng 0,8% so với dự toán. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 bằng 5,3% GDP. Dư nợ công chiếm 56,2% GDP, trong giới hạn an toàn”. Theo tính toán của Chính phủ, cứ tăng bội chi thêm 1%, sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng chi từ ngân sách và Chính phủ muốn dùng toàn bộ phần tăng này cho đầu tư phát triển.

Thủ tướng khẳng định, dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ. Bảo đảm tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2014 không thấp hơn năm 2013 để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược và phục hồi tăng trưởng. Phát hành thêm trái phiếu chính phủ trong trần nợ công cho phép (65% GDP). Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn.

Kinh tế vẫn khó khăn

Trong khi đó, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế, do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Giàu trình bày, nhận định kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến chỉ đạt 5,6%/năm, mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5-7%).

Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại, một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt. Theo số liệu thống kê mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngoài Việt Nam, chỉ có Brunei (từ 3,4% năm 2011 xuống 0,9% năm 2012) và Singapore (từ 5,2% năm 2011 xuống 1,3% năm 2012) là có sự giảm mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Một số nước có chuyển biến khá tích cực như: Myanmar (tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012), Campuchia (tăng từ mức 7,1% năm 2011 lên 7,3% năm 2012)…

“Về giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2015, Chính phủ đề nghị tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động; Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo; Chăm sóc sức khỏe nhân dân...”.

Báo cáo của Chính phủ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhân - Công Khanh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN