Bầu Đức “phá rừng” tại Lào, Campuchia?

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa phát đi thông cáo báo chí lên tiếng phản đối những cáo buộc của tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) về những hoạt động của doanh nghiệp này tại Lào và Campuchia.

Trước đó, trong một báo cáo công bố vào đầu tháng 5/2013 về hoạt động của các công ty cao su tại Lào và Campuchia, Global Witness cho rằng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đang tiến hành "chiếm đất" tại Campuchia và Lào.

Tổ chức này cũng cáo buộc HAGL và VRG “có liên quan đến việc chặt đốn khu rừng nguyên vẹn trong và ngoài phạm vi ranh giới nhượng quyền của họ, trái với các quy định của pháp luật”.

Hoạt động của HAGL và VRG còn được nhìn nhận là “phớt lờ luật pháp và đang hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường trong các khoản đầu tư ào ạt vào cao su tại đây”.

Bản báo cáo nêu những con số về đất đai “có vấn đề” của HAGL và các công ty liên kết, là dường như đang được bố trí tổng cộng 81.919 ha đất đai. Trong đó có 47.370 ha đất tại Campuchia mà theo giới hạn pháp lý tại quốc gia này, thì mỗi công ty chỉ được 10.000 ha.

Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí phát đi chiều 13/5, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức cho rằng các hoạt động đầu tư của tập đoàn vào lĩnh vực trồng cây cao su, mía đường tại Lào, Campuchia đã tuân thủ theo luật pháp nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng.

Ông Đức nhấn mạnh, HAGL không tham gia vào việc khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của HAGL. Chính phủ Lào và Campuchia có toàn quyền kiểm soát, sở hữu và quyết định đối với toàn bộ khối lượng gỗ.

“Global Witness chưa chỉ ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào. HAGL sẵn sàng chờ đợi Global Witness và các phóng viên của các hãng thông tấn đưa ra các bằng chứng cụ thể và xác đáng”, ông Đoàn Nguyên Đức nói.

Ông khẳng định, HAGL đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế địa phương bằng cách đóng thuế, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động địa phương và có nhiều đóng góp mang tính cộng đồng. Vì thế, trong những năm gần đây, HAGL "nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ Chính phủ Lào và Campuchia". Đồng thời, "chính phủ hai nước khuyến khích các nhà đầu tư khác nên đi theo mô hình của HAGL".

Chủ tịch HAGL cũng cho biết, Global Witness đã liên lạc với HAGL với một loạt các câu hỏi về các hoạt động của tập đoàn. Tuy nhiên, tổ chức này không cung cấp và chia sẻ các bằng chứng và cũng không nêu lên một cách cụ thể các dẫn chứng liên quan đến các vấn đề đã đề cập.

“HAGL đã gửi lời mời Global Witness đến thăm bất kỳ dự án nào mà tập đoàn đang thực hiện và họ dự định sẽ đến thăm tại Việt Nam vào tháng 5. Chúng tôi sẽ giải quyết mọi vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư tại hai nước này khi Global Witnetss đưa ra được bằng chứng xác thực”, ông Đức nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Trang (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN