Bất hạnh của tỷ phú: Ngộ độc...tiền

Số tiền khổng lồ mà họ đã phấn đấu nỗ lực làm ra đôi khi đã trở thành liều thuốc độc giết chết tình cảm giữa những người thân thiết ruột thịt trong gia đình.

Đầu tuần này, một gia đình tỷ phú nổi tiếng thế giới của Hàn Quốc đã đưa nhau ra toà vì những tranh chấp căng thẳng liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Các luật sư của tỷ phú sở hữu tập đoàn Samsung Lee Kun Hee, đã ra trước toà để bảo vệ quyền lợi cho ông trong 3 vụ kiện liên tiếp của những người thân trong gia đình gồm anh trai, chị gái và một người họ hàng.

Anh trai của Lee Kun Hee, ông Lee Maeng Hee và người chị gái Lee Sook-Hee đã cho rằng người bố quá cố của họ Lee Byung-Chull, để lại cho Kun Hee số tài sản trị giá 3,8 tỷ USD mà họ không hề hay biết gì cho đến cuối năm ngoái.

Kun Hee là người kiểm soát tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới này từ năm 1987. Các anh chị của ông giờ đây yêu cầu em trai mình phải trao cho họ một số cổ phần của Samsung Life and Samsung Electronics

Tuy nhiên, một người em gái khác trong gia đìn là Lee Myung Hee lại không tham gia đứng tên trong vụ kiện này. Lee Myung Hee hiện đang điều hành tập đoàn Shinsegae, thuộc tập đoàn Samsung kể từ năm 1991 và bản thân bà cũng là tỷ phú.

Đại văn hào Leo Tolstoy đã từng có một câu nói nổi tiếng :”Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau; nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo cách riêng của mình”. Đây là dòng đầu tiên của chương một cuốn tiểu thuyết lừng danh của ông, Anna Karenina.

Tolstoy chắc hẳn chưa biết nhiều về câu chuyện của những gia đình cực kỳ giàu có. Nếu có, ông hẳn đã đưa ra một kết luận khác đi. Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng tiền – cụ thể là những cuộc đấu tranh giành quyền thừa kế - thường là nguyên nhân làm gây ra mối thù hận trong những gia đình này.

Chẳng hạn như hai anh em nổi tiếng nhà Koch, Charles và David đã mua lại quyền thừa kế của các em trai William và Frederick vào năm 1983. Hai người em này sau đó lại kiện ra toà đòi một số tiền lớn hơn và vụ kiện tụng kéo dài này chỉ kết thúc sau phán quyết của toà án vào năm 2001.

Một năm sau, lại một gia đình tỷ phú khác bắt đầu cuộc chiến của mình. Liesel Pritzker, khi đó là sinh viên Đại học Columbia, đã tiến hành vụ kiện trị giá tới 6 tỷ USD nhằm vào bố mình và 11 người anh chị em họ năm 2002. Cô buộc tội họ đã lạm dụng quỹ đầu tư tín thác của cô và người em trai Matthew. Tài sản khổng lồ của gia đình sau đó đã được toà án phán quyết chia thành 11 phần và kết quả là có thêm 10 người nữa mang họ Pritzkers lọt vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes.

Gần đây hơn, người quả phụ của tỷ phú siêu thị Melvin Simon, đã tranh chấp rùm beng với người con riêng của chồng mình về tài sản thừa kế sau khi tỷ phú qua đời năm 2009. Một bà mẹ người Hồng Kông cũng kiện con gái ruột của mình về quyền kiểm soát tập đoàn trị giá nhiều tỷ USD sau khi người chồng, người cha của họ mắc bệnh Alzheimer.

Câu chuyện mới đây nhất đang gây xôn xao dư luận thế giới là về người phụ nữ quyền lực sở hữu tập đoàn khai khoáng lớn nhất Australia, Gina Rinehart. Bà là người giàu nhất Australia và là một trong những người giàu nhất thế giới, thậm chí đang đe doạ ngôi vị của Carlos Slim trong tương lai.

Bất hạnh của tỷ phú: Ngộ độc...tiền - 1

Cảnh hạnh phúc này đã không còn trong gia đình người phụ nữ giàu nhất thế giới. Ảnh: Con trai cả (trái), bà Gina Rinehart (giữa) và con gái út (phải).

Trước đây bà đã từng đấu tranh với mẹ kế của mình trong 14 năm để giành quyền kiểm soát công ty do bố mình để lại. Trớ trêu thay, giờ đây bà lại đang phải đối mặt với vụ tranh chấp đầy tai tiếng với 3 trong số 4 người con ruột của mình. Ba người con đầu của bà cho rằng bà đã cố tình làm chậm thời hạn được hưởng quyền thừa kế của họ. Họ cho biết đáng lẽ họ phải được trao quyền sở hữu quỹ đầu tư trị giá 2,4 tỷ USD mà ông ngoại họ, bố của bà Gina, để lại cho họ từ năm ngoái. Tuy nhiên, bà Gina Rinehart đã kéo dài thời gian giám hộ quỹ đầu tư tới năm 2068.

Bà phản bác lại điều này và cho biết bà đã lo cho họ một cuộc sống sung túc, xa hoa với nhiều quyền lợi. Theo bà, họ là những kẻ lười nhác, không muốn làm việc nên không thể quản lý quỹ đầu tư lớn như vậy. Con gái út của bà, Ginie Rinehart, đã đứng về phía mẹ trong cuộc kiện tụng này. Cô cho rằng chính tính tham lam, ích kỷ đã gây ra tình cảnh bất hòa trong gia đình mình. "Tôi chắc rằng đến một ngày nào đó, các anh chị tôi sẽ hối hận vì đã đặt tiền lên trên tình cảm gia đình", cô nói.

Thời gian sẽ cho biết kết cục trong những câu chuyện gia đình tỷ phú thời hiện đại, nhưng có một câu ngạn ngữ có thể dùng trong trường hợp này là "gieo nhân nào gặp quả nấy". Và có một điều chắc chắn là tất cả những gia đình tỷ phú nói trên đã là ví dụ minh họa rõ ràng cho câu nói thường gây nhiều tranh cãi: Tiền không phải lúc nào cũng mua được hạnh phúc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN