Báo cáo 117.000 tỉ đồng, thanh tra ra gấp đôi

Không ít ngân hàng vi phạm quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng. Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 12-7.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - quyền chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hiện nợ xấu tăng lên khá nhanh. Tính đến ngày 31-5, nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo là hơn 117.000 tỉ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng.

Còn theo cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thì nợ xấu của các TCTD tính đến ngày 31-3 hơn 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6%. Ông Nghĩa cho biết có một bộ phận không nhỏ TCTD đã vi phạm quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ghi nhận nợ xấu thấp hơn thực trạng, làm giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro để báo cáo tài chính tốt hơn.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí.

Chủ yếu rơi vào công nghiệp, xây dựng

* Nợ xấu của các TCTD đọng ở khu vực kinh doanh nào? Nợ xấu ở các lĩnh vực kinh doanh rủi ro như bất động sản, chứng khoán là bao nhiêu?

Nợ xấu hiện nay chủ yếu rơi vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng do thị trường bất động sản đóng băng quá dài. Về dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, tính đến cuối tháng 5 là khoảng 197.000 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ không lớn trong tổng số dư nợ là 2,6 triệu tỉ đồng.

Nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản khoảng 12.000 tỉ đồng, tương đương 6,5% dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản. Số nợ xấu cho vay bất động sản chiếm tỉ lệ không phải là lớn, khoảng 10,3% trong tổng nợ xấu hệ thống ngân hàng. Về cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán có xu hướng giảm, đến ngày 31-5 còn gần 12.000 tỉ đồng, nợ xấu 485 tỉ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ cho vay chứng khoán.

Về các khoản nợ có tài sản bảo đảm, theo báo cáo của các TCTD, có đến 84% nợ xấu có tài sản bảo đảm, chỉ 16% nợ xấu không có tài sản đảm bảo. Còn xét về giá trị tài sản bảo đảm trên tổng số nợ xấu thì giá trị tài sản bảo đảm cỡ bằng 135% giá trị của nợ xấu. Đây là tỉ lệ khá cao. Nếu xét các khoản nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản thì có tỉ lệ khoảng 180%.

Tính đến cuối tháng 5, theo các TCTD báo cáo, tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro là 67.300 tỉ đồng, chiếm 57% nợ xấu. Những con số trên cho thấy chúng ta có thể bớt lo lắng về tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.

* Có bao nhiêu khoản nợ sẽ mất trắng mà không thu hồi được?

- Theo các TCTD báo cáo, nợ xấu là 117.000 tỉ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn, tức nợ thuộc nhóm 5, có rủi ro cao nhất, chiếm 40%. Nhưng tôi cũng xin báo cáo luôn nợ nhóm 5 không có nghĩa là nợ chắc chắn bị mất vốn bởi đã được trích lập dự phòng rủi ro và có tài sản bảo đảm.

Thúc đẩy thị trường mua bán nợ

* Biện pháp xử lý nợ xấu tới đây của NHNN như thế nào?

- NHNN chỉ đạo các TCTD chủ động phối hợp với khách hàng đánh giá, rà soát các khoản vay và có phương án xử lý phù hợp với điều kiện của khách hàng để giảm bớt khó khăn cho cả hai bên. Việc thực hiện giãn nợ cũng phải tính toán, đặc biệt không chuyển nhóm nợ đối với các khách hàng không trả nợ đúng hạn theo hợp đồng.

NHNN yêu cầu TCTD trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định để xử lý các khoản nợ xấu. Tài sản bảo đảm cho các khoản vay hiện rất lớn nên một trong những biện pháp cần làm ngay là xử lý các tài sản để thu hồi vốn, tăng khả năng thanh khoản cho TCTD.

Về chính sách sắp tới, NHNN dự kiến tháng 8 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Mặt khác, NHNN đang nghiên cứu hoàn thiện về quy chế cấp tín dụng phù hợp với điều kiện hiện nay của hệ thống ngân hàng. Một giải pháp rất quan trọng là NHNN sẽ ban hành chính sách nhằm thúc đẩy thị trường mua bán nợ trong hệ thống ngân hàng và mua bán nợ giữa TCTD và các tổ chức, cá nhân khác phát triển, giúp các TCTD cơ cấu lại nợ, bán tài sản không sinh lời để thu hồi vốn nhanh.

Đồng thời, NHNN sẽ làm việc với các bộ ngành để đánh giá rà soát hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh doanh, trên cơ sở đó triển khai chương trình tín dụng, giải tỏa hàng tồn kho, đẩy mạnh tiêu dùng, giảm nợ xấu. Đặc biệt, quá trình xử lý nợ xấu cần gắn kết chặt chẽ với quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, vì một bộ phận không nhỏ nợ xấu là các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước.
 

Không cần 100.000 tỉ đồng để mua nợ xấu

“Mọi vấn đề liên quan đến đề án thành lập công ty mua bán nợ xấu mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu. NHNN chưa báo cáo Chính phủ một cách chính thức về đề án này.

Có ý kiến cho rằng công ty mua bán nợ xấu được thành lập phải cần số vốn 100.000 tỉ đồng, tôi khẳng định là không cần đến tất cả 100.000 tỉ đồng tiền mặt để xử lý nợ xấu của VN. Bởi nếu có thành lập công ty này thì chúng tôi sử dụng rất nhiều công cụ tài chính để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, về mặt giá trị danh nghĩa của các khoản nợ cần phải xử lý có thể lên đến 100.000 tỉ đồng, nhưng thực tế khi các công ty quản lý tài sản mua bán với các TCTD về khoản nợ thì giá dựa trên giá chiết khấu, hay nói cách khác là giá đã tính đến các khoản dự phòng rủi ro được trích lập mà chưa được sử dụng”.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN