Bán "bò sữa tỷ đô" không để ăn tiêu hết
Bán vốn Nhà nước tại các DN lớn phải để đầu tư chứ không được hòa vào NSNN, nếu hòa vào, nói là chi đầu tư nhưng chúng ta chi thường xuyên, "vung tay quá trán" làm giảm đầu tư đi rồi bù lại thì coi như gián tiếp để chi tiêu.
Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch khi trả lời báo chí bên lề Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, sau khi nghe Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015.
Buổi chiều ngày đầu tiên Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thứ XIII, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng kiến nghị, để đảm bảo nhiệm vụ chi 2015-2016 trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm lớn, Chính phủ trình Quốc hội cho phép bán bớt phần vốn Nhà nước ở một số doanh nghiêp, dự kiến thu về 40.000 tỷ đồng. Trong đó, 10.000 tỷ đồng bổ sung ngân sách Trung ương 2015; 30.000 tỷ đồng đưa vào cân đối ngân sách 2016. Tập trung đầu tư một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan toả cao.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch trao đổi bên lề với báo chí
Thông tin này đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Chia sẻ quan điểm của mình, ĐB Trần Du Lịch, (TP.HCM) cho rằng, việc bán bớt cổ phần của Nhà nước để đưa vào đầu tư những công trình thiết yếu, kể cả liên quan đến phúc lợi của người dân là vấn đề ông Trần Du Lịch đề nghị cách đây 2 năm tại Quốc hội.
“Giờ chủ trương của Chính phủ như vậy tôi cho rằng đúng và phù hợp với quá trình tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, tôi đề nghị không nên hòa nó vào vốn ngân sách nói chung mà phải tách biệt vấn đề đó đầu tư vào đâu, phải có địa chủ cụ thể, ví dụ bao nhiêu tiền làm bệnh viện gì, bao nhiêu tiền làm công trình gì, thậm chí bao nhiêu tiền đầu tư vào sự nghiệp kinh tế cần thiết. Không được hòa vào NSNN, nếu hòa vào, nói là chi đầu tư nhưng chúng ta chi thường xuyên, "vung tay quá trán" làm giảm đầu tư đi rồi bù lại thì coi như gián tiếp để chi tiêu”- Đại biểu Trần Du Lịch chia sẻ.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không nên dùng lượng tài sản đó để đi chi tiêu mà phải sử dụng có lợi nhất vì nó là tài sản chung. Ví dụ từ tiền của Vinamilk, nếu chuyển để đầu tư BV Ung Bướu thì nó mang lợi ích khác, coi như tài sản đó vẫn còn, còn nếu hòa vào ngân sách thì tôi không ủng hộ. Chi vào đâu, dự án nào là phải có địa chỉ, và Quốc hội quyết theo địa chỉ đó. Cách như vậy sẽ giảm đi được phần căng thẳng”.
Ông Trần Du Lịch nói thêm: “Ngoài 40.000 tỷ đó thì với việc phát hành Trái phiếu quốc tế, tôi ủng hộ Chính phủ để cơ cấu lại khoản nợ, không tăng nợ công. Nếu ta cân đối được, nguồn ngoại tệ dài hạn không khó khăn thì rõ ràng có lợi, đây là phương thức cơ cấu lại khoản nợ chứ không phải thay mới nên nó không có ảnh hưởng. Nếu như hướng sắp tới chúng ta giảm nhập siêu thì rõ ràng không căng thẳng phần đó, cơ cấu lại nợ là tốt”.
Cùng chia sẻ quan điểm về báo cáo tình hình kinh tế xã hội của Chính phủ, Đại biểu Phạm Văn Tấn (Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng: “Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh cơ bản, đầy đủ, khách quan về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016”.
Theo Đại biểu Phạm Văn Tấn, trong các nội dung Chính phủ báo cáo, từng phần nêu ra được những kết quả, chuyến biến, tiến bộ, thành tựu của đất nước, đồng thời cũng nêu ra được những hạn chế, yếu kém cản trở đến sự phát triển và đồng thời chỉ ra được những việc sắp tới trong 5 năm và năm 2016 đất nước phải làm. Dù năm 2015, tình hình nước ta có sự tác động từ cả bên ngoài và những vấn đề nội tại của nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 2015 là năm cao nhất trong giai đoạn 5 năm, góp phần tạo ra tiền đề để chúng ta tiếp tục tiếp tục phấn đấu đưa nước ta sớm cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại.
“Đây cũng là cơ sở để chúng ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, rộng hơn với kinh tế quốc tế sau khi chúng ta tham gia ký kết các hiệp ước thương mại. Có được kết quả này, ngoài sự điều hành quyết liệt, nhạy bén, linh hoạt, kịp thời, có tính nguyên tắc cao của Chính phủ là sự đồng thuận lớn của DN, nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội”- Ông Tấn chia sẻ..