Anh rời EU, kinh tế Việt hứng “sóng” ra sao?

Việc Anh rời khỏi EU (Brexit) không chỉ khiến nền kinh tế quốc gia này hứng “sốc” mà còn tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Anh rời EU, kinh tế Việt hứng “sóng” ra sao? - 1

Sản phẩm dệt may là một trong những mặt hàng VN xuất khẩu nhiều sang Anh - Ảnh: K.Linh

Xuất khẩu vào Anh sẽ gặp khó?

Theo các chuyên gia kinh tế, tác động của Brexit đến Việt Nam bao gồm cả những yếu tố trực tiếp, qua kênh thương mại đầu tư giữa Việt Nam - Anh và tác động gián tiếp thông qua ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như các đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, GS. TSKH. Võ Đại Lược, Giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Việt Nam không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng vì chúng ta đang có quan hệ thương mại với Anh. “Không chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, song nhiều năm trở lại đây, chúng ta luôn duy trì mức xuất siêu vào Anh. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008 - 2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU”, GS. Võ Đại Lược cho biết.

Theo nhận định của ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế thế giới - Viện Kinh tế chính trị: Anh không phải là đối tác quá lớn đối với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, song điều đáng lo ngại là tỷ giá. Theo đó, sẽ có một số ảnh hưởng cục bộ đối với một số các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có lượng xuất khẩu lớn vào Anh. Thực tế, ngay sau khi Brexit được công bố, đồng bảng Anh đã mất giá 10% (hôm 24/6), đây là mức thấp nhất kể từ năm 1985.

“Điều này sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Đồng bảng Anh mất giá, đồng Việt Nam tăng lên, hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam sẽ kém cạnh tranh hơn. Cầu hàng hóa nhập khẩu có thể suy giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và do sự mất giá của đồng bảng Anh”, ông Bùi Ngọc Sơn nói.

Anh rời EU, kinh tế Việt hứng “sóng” ra sao? - 2

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Anh trong 5 tháng đầu năm

FDI Việt - Anh sẽ có nhiều biến động

Bình luận về kết quả cuộc bỏ phiếu Brexit, GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, sự tác động đến các dự án đầu tư hiện tại không lớn do số lượng các dự án FDI từ Anh vào Việt Nam không nhiều. “Nếu có, những dự án đầu tư mới sẽ bị ảnh hưởng. Vì khi kinh tế trong nước suy thoái, Chính phủ Anh sẽ coi trọng đầu tư nội địa, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Họ sẽ hạn chế chuyển tiền và công nghệ ra nước ngoài”, GS. TSKH. Nguyễn Mại nhận định.

Còn theo ông Bùi Ngọc Sơn, đồng bảng Anh mất giá, kinh tế Anh chao đảo thì các công ty Anh đầu tư vào Việt Nam sẽ có những thay đổi. Tuy nhiên, chính các dự án đầu tư của Việt Nam tại Anh sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn. “Anh tách khỏi EU sẽ có rất nhiều chuyện rắc rối, thiệt hại. Các nhà đầu tư đang khai thác ưu thế của nhau giờ tách ra sẽ mất những ưu thế. Lúc này, các nhà đầu tư vào Anh sẽ phải thiết lập lại thị trường và mất nhiều thời gian, chi phí cho những thủ tục khác”, ông Sơn lý giải.

Bên cạnh đó, triển vọng Hiệp định Thương mại FTA giữa EU và Việt Nam cũng là điều đáng quan ngại. Bởi, đàm phán này có thể phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU. “Anh rút khỏi EU, những điều khoản về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Anh mà từ trước đến nay áp dụng theo điều khoản chung với EU có thể sẽ không như vậy nữa. Nếu muốn, chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian đàm phán riêng với quốc gia này”, GS. TSKH.Võ Đại Lược nhận định.

Với sự kiện Brexit, điều mà các chuyên gia lo lắng hơn cả, đó là những tác động gián tiếp đến từ các hoạt động đầu tư và thương mại. Khi rủi ro tăng cao và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, dòng tiền sẽ có xu hướng dịch chuyển ra khỏi các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn. Báo cáo “Tác động của Brexit tới thị trường mới nổi châu Á: Không phải Anh, EU mới là vấn đề” của tác giả Trinh D. Nguyen, chuyên gia kinh tế của Công ty Tư vấn Natixis nhận định: “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước dự kiến bị tổn thương nhiều nhất từ dự báo giảm tăng trưởng của Anh và EU. Đối với cả hai nền kinh tế, xuất khẩu sang EU và Mỹ đều rất quan trọng, nên sẽ bị tác động như một hệ quả của sự kiện trên, ít nhất từ kênh thương mại”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Khánh (Giao thông vận tải)
Nước Anh rời Liên minh châu Âu EU Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN