Anh rời EU ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào?

Bà Đỗ Thị Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhận định rằng việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam vì mức độ hội nhập của Việt Nam chưa được sâu rộng.

Theo kết quả kiểm phiếu được các hãng thông tấn Anh công bố hôm nay, kết quả trưng cầu dân ý tại Vương quốc Anh hôm 23.6 cho thấy Anh đã chính thức rời EU với tỷ lệ ủng hộ 51,89%. Hầu hết những điểm bỏ phiếu ở Anh và Xứ Wales đều chọn rời EU. Ngược lại, khu vực Scotland và Bắc Ireland không muốn rời EU. 

Việc Anh rời khỏi EU chắc chắn có ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của thế giới. Còn đối với Việt Nam, việc Anh rời khỏi EU được bà Đỗ Thị Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Thống kê (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư) nhận định rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam.

Sáng nay 24.6, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo tổng quan thị trường và giá cả tháng 6 và 6 tháng nửa đầu năm 2016, bà Đỗ Thị Ngọc cho biết việc Anh ra đi hay ở lại EU tác động nhiều đến các nền kinh tế trên thế giới. Ở châu Á, những nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh của việc này là Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Tuy nhiên, Anh rời EU lại gần như không tác động nhiều đến nền kinh tế của Việt Nam.

Giải thích cho nhận định này, bà Ngọc cho rằng Việt Nam mặc dù tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA nhưng hiện các hiệp định chưa có hiệu lực. Hơn nữa, mức độ hội nhập của Việt Nam chưa sâu rộng mà mới chỉ trong giai đoạn bắt đầu nên chịu ảnh hưởng từ Brexit không nhiều.

Trước đó, theo nhận định của Công ty Capital Economics có trụ sở tại London, việc Anh rời khỏi EU chỉ có thể làm giảm tối đa 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á. Việc Anh tách khỏi EU cũng sẽ làm giảm 25% kim ngạch nhập khẩu của Anh trên toàn cầu trong vòng 2 năm tới.

Ông Daniel Martin, nhà kinh tế châu Á làm việc cho Capital Economics nhận định rằng một số nền kinh tế châu Á như Campuchia, Việt Nam và đặc biệt là Hong Kong sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi đây là những nền kinh tế có quan hệ thương mại sôi động hơn với Anh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2015 Anh xếp thứ 2 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 1,25 tỉ USD (8 tháng đầu năm). Hằng năm Việt Nam xuất sang 5 tỉ USD hàng hóa. 

Việt Nam và Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Những năm gần đây xuất khẩu sang Anh tăng đều 20% mỗi năm với thặng dư thương mại liên tục cho Việt Nam, năm 2015 đạt trên 3 tỉ USD. Hiện nay Anh có hàng trăm văn phòng đại diện thương mại thường trú và chi nhánh doanh nghiệp tại Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định với việc Anh rời EU thì rất có thể những điều khoản trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU có liên quan đến Anh sẽ phải xem xét lại. Điều này có thể làm cho tiến trình hiện thực hóa của hiệp định kéo dài hơn so với dự kiến.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thường niên diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) mới đây, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhận định rằng Anh là một trong những thành viên đầu tiên, có tiềm lực kinh tế mạnh hàng đầu và ảnh hưởng lớn trong EU. Việc một thành viên quan trọng và có ảnh hưởng như Anh rời khỏi EU sẽ là bi kịch cho liên minh gồm 28 thành viên này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Lâm (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN