20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng

Nền kinh tế có khoảng 300-400 tấn vàng, tức nguồn lực khoảng 15-20 tỷ USD đã không được đầu tư vào sản xuất mà chôn chặt vào vàng, Thống đốc nói.

Tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 31/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian qua, do bất ổn kinh tế thế giới và trong nước, giá vàng thế giới tăng cao và giá vàng trong nước có nhiều biến động hết sức thất thường. Do vậy, tình trạng vàng hóa của nền kinh tế đã được đẩy lên rất cao.

Đánh giá không chính thức sơ bộ ban đầu, nền kinh tế của nước ta có khoảng 300-400 tấn vàng. Hay nói cách khác, nguồn lực khoảng 15-20 tỷ USD đã không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà bị chôn chặt vào vàng, Thống đốc cho biết.

Mỗi khi giá vàng biến động, tỷ giá lại bị ảnh hưởng do hoạt động nhập lậu vàng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao những năm qua và tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô, ông nói.

Trước tình hình đó, Chính phủ chỉ đạo NHNN kiên quyết chống đô la hóa và vàng hóa. NHNN đã xây dựng đề án chống vàng hóa với hai mục tiêu chính: một là làm sao biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá; hai là làm sao ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế và có thể huy động ngược trở lại nguồn vốn này cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Đề án chống vàng hóa gồm 3 bước. Thứ nhất, xây dựng khuôn khổ pháp lý. Thứ hai, chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng trong tổ chức tín dụng. Thứ ba, chuyển quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán vàng.

Đến nay, theo Thống đốc, NHNN đã triển khai cơ bản được bước 1 và 2. Nghị định 24 có hiệu lực từ 25/5/2012 đã thu được một số kết quả.

Từ tháng 5 trở lại đây, giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau khá lớn, từ 1 triệu đồng lên tới 3 triệu đồng/lượng, nhưng trên thị trường có 2 hiện tượng khác hẳn với trước đây. Một là không còn việc người dân đổ xô đi mua vàng, hai là mặc dù giá vàng biến động như vậy nhưng tỷ giá vẫn ổn định, thậm chí, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng thì tỷ giá vẫn tiếp tục hạ và NHNN vẫn thu mua được ngoại tệ.

Như vậy, có thể thấy rằng mục tiêu quan trọng thứ nhất của việc chống vàng hóa (ổn định tỷ giá) đã đạt được kết quả nhất định.

Từ tháng 5/2012 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng từ nền kinh tế, chuyển đổi thành tiền phục vụ phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa, mục tiêu thứ hai là chặn đứng và huy động lại số vàng này để phục vụ phát triển kinh tế đã được thực hiện.

Chúng ta triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội 2012 trong tình hình tài chính vô cùng khó khăn. Hệ thống ngân hàng thiếu thanh khoản, trong khi đó, đại biểu phân tích việc xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, bong bóng bất động sản là những vấn đề không phải một sớm, một chiều. Lấy nguồn nào để phục vụ cho phát triển 2012? Chúng tôi đã kiên quyết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là thực hiện chương trình chống đô la hóa và vàng hóa để có nguồn lực, Thống đốc khẳng định. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gafin
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN