Xót xa bệnh nhân tâm thần bị bỏ rơi

Trong ngành y, khi các bệnh nhân khỏi bệnh ra viện thì đó là khoảnh khắc hạnh phúc không những của người bệnh và người thân mà còn là hạnh phúc của các cán bộ y tế. Gia đình họ đến đón trong niềm vui mừng tràn ngập, sẽ có hoa, nụ cười và cả những giọt nước mắt đầy xúc động nữa...

Còn thú thật, bệnh nhân ra viện ở chuyên ngành “IC có vấn đề” của chúng tôi chắc chẳng bao giờ có được niềm vui “hoành tráng” và trọn vẹn như thế, tệ hơn là nhiều gia đình đã quay lưng bỏ rơi người bệnh và thế là...

Ngày....

Hôm nay đã sang tuần thứ ba kể từ khi người bệnh vô danh 1 vào viện, thể trạng người bệnh đã khá lên rất nhiều. Cậu chịu tiếp xúc, chúng tôi cũng biết được tên cậu là Đinh Văn H. H. nói: “Cháu cũng không biết vì sao cháu xuống dưới này”, cậu nói rõ địa chỉ gia đình thuộc phố BM, quận HM, TP. Hà Nội. Nhưng khi hỏi cậu về gia đình thì cậu chỉ im lặng, vẻ mặt trĩu nặng một nỗi buồn, khi chúng tôi ngỏ ý sẽ đưa cậu trở về gia đình thì cậu tỏ ra rất mừng.

Thế nhưng trái với mong mỏi của chúng tôi và người bệnh. Khi về đến địa phương đã không có người nào chịu nhận là người thân của H. Chỉ khổ cho Khương và Hà, hai cậu y tá phải chạy đôn đáo cả ngày để giúp người bệnh, song kết quả cũng chỉ thêm một dòng chữ của trưởng công an phường và con dấu đóng đỏ chót trong bệnh án chứng nhận rằng trước khi bị bệnh, bệnh nhân có hộ khẩu tại đây. Màu con dấu thì đỏ chói mà trông cứ lạnh lẽo làm sao, nó làm tôi liên tưởng đến vẻ mặt lạnh lùng của cô nhân viên bán vé tàu thời bao cấp với hành động sập cánh cửa bán vé và buông thõng một câu “Hết vé”. Khuôn mặt của H. trở nên u ám, đêm đó, cậu mất ngủ. Hành trình trở về cuộc sống đời thường của H. lại một lần bị lỡ hẹn.

Xót xa bệnh nhân tâm thần bị bỏ rơi - 1

Chuẩn bị điện não đồ cho bệnh nhân tại BV Tâm thần Hà Nội. Ảnh: PV

Ngày...

Thân Viết K. - người bệnh đã có nhiều tiến triển tốt, sau nhiều lần báo đón mà gia đình không chịu đến,  bệnh viện quyết định cử người đưa bệnh nhân về giao tận gia đình. Sáng sớm nay, Chiến “bòng”, cậu y tá của khoa đã lên sớm chuẩn bị đưa người bệnh đi, còn K. thì đã xúng xính trong bộ quần áo mới của viện cho. Vẻ mặt cậu lộ rõ vẻ bồn chồn của một người con đi xa nay mới được trở về quê hương. Anh Nghĩa trực cấp hai đã dậy sớm, giọng rổn rảng căn dặn K.. Tôi nằm nghe cũng thấy bồi hồi, một cảm giác khó tả, vui buồn lẫn lộn. Mừng cho một người bệnh được trở về cuộc sống đời thường, lo vì khoảng cách của bệnh tật và đời thường còn xa quá, liệu rồi có một trường hợp Đinh Văn H. nữa hay không?

Thay cho lời kết

Còn biết bao những mẩu chuyện vui buồn trong cái chuyên ngành “IC có vấn đề” này mà không thể nào viết hết được. Một năm lại qua đi, những người bệnh tâm thần vẫn tiếp tục nhập viện và chúng tôi hàng ngày vẫn tiếp tục những công việc của mình không biết mệt mỏi.

Với mọi người, tâm thần là một điều gì đó còn ngại ngần, xa cách nếu không muốn nói là còn kỳ thị, xa lánh nó. Với tôi và các đồng nghiệp thì chuyên ngành tâm thần là một ngành còn nhiều khó khăn, nhưng ở đó, chúng tôi là niềm tin và hi vọng của người bệnh, đó là nơi chúng tôi có thể làm đẹp thêm lên phần hồn của những người bệnh, giúp họ tự tin trở về với cuộc sống đời thường.

Chúng tôi đã, đang và sẽ luôn làm theo phương châm của người thầy dạy khi mới chập chững bước chân vào chuyên ngành rằng: “Các bạn hãy luôn nghĩ rằng tâm thần chỉ là một bệnh và bệnh nhân tâm thần là những con người bị ốm”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Theo BS. Nguyễn Hoàng Điệp (Sức khỏe đời sống)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN