VN: Tái sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem

“Sau 3 tháng tạm dừng vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem, Bộ Y tế sẽ tiếp tục trình Chính phủ để tái sử dụng loại vắc xin này”.

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng quốc gia trả lời phóng viên tại buổi Họp báo “Công bố kết quả đánh giá an toàn của vắc xin Quinvaxem” do Bộ Y tế tổ chức sáng 20/6.

Thưa ông, vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem đã tạm dừng, vậy tại sao WHO tại khuyến cáo sử dụng cho trẻ em tại Việt Nam?


Tôi xin nói rằng, không có vắc-xin nào an toàn 100%. Độ an toàn phụ thuộc vào kháng nguyên của từng vắc xin. Sau khi tiêm trẻ thường có phản ứng phụ như sốt tại chỗ, quấy khóc, sưng đau… Tuy nhiên, những phản ứng này nhẹ và dễ dàng qua khỏi trong một vài ngày.

Nhìn chung, vắc xin 5 trong 1 hay bạch hầu, ho  gà, uốn ván đều có tính an toàn cao,  rất ít có phản ứng nặng hoặc có thể gây tử vong.

VN: Tái sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem - 1

Vắc-xin Quinvaxem sẽ tái sử dụng trong thời gian tới

Trong các kết quả nghiên cứu 43 trường hợp tai biến sau tiêm chủng chỉ có 9 trường hợp liên quan đến vắc xin Quinvaxem. Thực tế, không phải trẻ nào cũng đáp ứng với kháng nguyên lạ. Tuy nhiên, 9 trường hợp này có một trường hợp nặng là sốc phản vệ nhưng đã điều trị và qua khỏi trong một vài ngày. Nhìn chung các vắc xin đều có tính an toàn cao. Nghĩa là nó rất ít phản ứng nặng và gây tử vong.

Do đó, dù có phản ứng như thế nhưng hiệu quả trong phòng bệnh người ta vẫn dùng. Kết quả giảm 410 lần tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu, 844 lần tỷ lệ mắc bệnh ho gà.

Ông Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, những kết quả kiểm định độc lập cho thấy vắc xin Quinvaxem đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả và khuyến cáo rằng vắc xin này phù hợp để sử dụng trong các chương trình tiêm chủng quốc gia.

Theo ông Takeshi Kasai, vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào hay vô bào đều an toàn.

Tuy nhiên không có loại vắc xin nào an toàn tuyệt đối, khi sử dụng có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác hoặc do cơ địa của trẻ.


WHO khuyến cáo đây là vắc xin có hiệu quả trong việc phòng bệnh cho trẻ em. Dù có phản ứng nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tử vong là rất thấp.

Phần lớn các bé tử vong là không có hồ sơ y tế. Vậy, trên cơ sở nào để khẳng định trẻ tử vong không liên quan đến vắc xin?

Ở Sri Lanka (một quốc gia cũng có nhiều ca tai biến sau tiêm Quinvaxem), các trường hợp tử vong sau tiêm đều được mổ tử thi, đó là điều kiện tốt để xác định nguyên nhân. Cọn tại Việt Nam chưa làm được điều này. Do đó, không có hồ sơ y tế để chẩn đoán nguyên nhân tử vong.

Trong trường hợp như thế, nhóm nghiên cứu dựa vào khai thác triệu chứng trước và sau tiêm của trẻ. Quan sát, tìm hiểu các triệu chứng trước khi trẻ tử vong, dựa vào đó các hội đồng xem xét, đánh giá. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân chính xác là gì không phải dễ. Chúng ta biết 15,8‰ trẻ dưới 1 tuổi tử vong hằng năm, tức mỗi ngày có 60-70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong.

VN: Tái sử dụng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem - 2

Các chuyên gia trả lời báo chí tại buổi họp báo sáng 20/6


Vậy, tại sao, Bộ Y tế vẫn xin phép Chính phủ dừng vắc xin Quinvaxem?

Dừng vắc xin là thể hiện trách nhiệm của Bộ Y tế. Chúng ta tạm dừng để điều tra nguyên nhân, không phải vắc xin có vấn đề. Chúng ta phải tìm ra các nguyên nhân toàn diện vì chưa hoàn toàn dựa vào kết quả của hội đồng tỉnh và phải gửi sang một đơn vị độc lập.

Nếu tái sử dụng vắc xin Quinvaxem, liệu sẽ có những phản ứng phụ không mong muốn tiếp tục xảy ra, thưa ông?


Tái sử dụng không đồng nghĩa với việc không có phản ứng phụ. Không có vắc xin nào phòng bệnh có thể an toàn tuyệt đối mà không xảy ra những phản ứng.

Chúng tôi đã phát triển các quy trình rất chi tiết như hướng dẫn các bà mẹ sau khi tiêm theo dõi thế nào, về nhà ra làm sao, làm các quy trình cho các thầy thuốc và các bệnh viện.

Chúng ta không bao giờ tiêm vắc xin chết người cho trẻ. Trong thời gian tới, điều trị phản ứng sau tiêm là bài học lớn.

Lô vắc xin 1 triệu liều chưa sử dụng trước khi tạm dừng sẽ được xử lý thế nào?

Trước khi đưa vắc xin Quinvaxem vào Chương trình tiêm chủng trở lại, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, thanh tra kiểm tra toàn bộ quy trình tiêm chủng.

Lô vắc xin 1 triệu liều chưa sử dụng trước khi tạm dừng phải đem kiểm định lại xem có đạt tiêu chuẩn không? có được bảo quản đúng quy cách không dù đây là vắc-xin có chỉ thị nhiệt độ, khi nhiệt độ bảo quản không đảm bảo sẽ đổi màu ngay. Đồng thời, việc quan trọng nhất là truyền thông cho các bậc cha mẹ yên tâm đưa con đi tiêm chủng.

Bộ Y tế có khuyến cáo gì để giúp người dân tiếp tục tin tưởng vào tiêm chủng?


Thông điệp của chúng tôi là không vắc xin nào an toàn 100%. Trong thời gian tới vẫn có thể xảy ra phản ứng sau tiêm. Cần theo dõi đánh giá xác định nguyên nhân kịp thời. Mục đích là giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Việt Nam sẽ tái sử dụng Quinvaxem và sẽ có tiếp tục có phản ứng xảy ra là điều không tránh khỏi.

Cách đây 3 tháng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dù chưa có bằng chứng về các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng có liên quan đến vắc xin nhưng để thận trọng hơn và đảm bảo an toàn tối đa cho tiêm chủng.

Bộ Y tế quyết định tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem (dự kiến trong khoảng 3 tháng) để các cơ quan chuyên môn phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ nhi đồng liên hợp quốc và các nhà khoa học khác trên thế giới tiến hành đánh giá tổng thể về vắc-xin này ở Việt Nam và gửi các lô vắc-xin sang phòng kiểm định độc lập tại nước Anh để kiểm định lại chất lượng vắc-xin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo T.Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN