Việt Nam: Điểm nóng của các bệnh mới nổi

Từ đầu năm đến nay, có ít nhất 2 loại bệnh nguy hiểm chưa từng xuất hiện hoặc rất hiếm gặp trên thế giới nhưng đã được ghi nhận tại nước ta. Tính rộng hơn trong 10 năm qua, số loại bệnh mới nổi ở Việt Nam được ghi nhận nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực.

3,5 triệu người mắc mỗi năm

Ngày 9/10, trao đổi với báo chí, PGS - TS. Phan Trọng Lân, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho biết, những bệnh mới nổi, bệnh không rõ nguyên nhân là thách thức đối với các nhà khoa học và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, khả năng gây đại dịch rất lớn.

Trong năm 2012, nước ta ghi nhận thêm 2 loại bệnh chưa rõ nguyên nhân là hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (còn gọi là “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi) và hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do lây nhiễm HIV/AIDS.

Mới đây lại xuất hiện 2 trường hợp tử vong ở phía Nam do nhiễm “amip ăn não người” - loại bệnh cũng chưa từng xuất hiện tại nước ta trước đây. Những “bệnh lạ” này cùng với các bệnh mới nổi khác trong 10 năm qua như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1) đại dịch, tay chân miệng…, cộng thêm sự quay trở lại của các bệnh như lao, sốt rét đã ảnh hưởng và đe dọa rất lớn đến sức khỏe người dân.

Theo ông Phan Trọng Lân, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hàng năm nước ta có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong. Bệnh mới nổi có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào, như bệnh bò điên xuất hiện ở Anh, bệnh viêm gan C ở Nhật, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác, bệnh cúm A(H5N1) ở 15 nước khu vực châu Á, châu Phi… Trong đó, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam, nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho các vi sinh vật phát triển nên đây chính là “điểm nóng”, là trung tâm của các dịch bệnh mới nổi trong khu vực. Hơn nữa, đây cũng là khu vực phát triển năng động, có sự giao thương lớn, trong khi điều kiện sống của người dân vẫn còn khó khăn, mật độ dân số ngày càng đông, ý thức phòng bệnh của người dân không đồng đều, còn nhiều hành vi gây hại cho sức khỏe như tình trạng sử dụng thực phẩm biến đổi gene gia tăng báo động, tạo điều kiện cho các bệnh mới nổi xuất hiện.

Việt Nam: Điểm nóng của các bệnh mới nổi - 1

“Bệnh lạ” ở Quảng Ngãi vẫn chưa xác định được nguyên nhân

Cần chủ động đối phó

Nói về khả năng đáp ứng của Việt Nam trước những căn bệnh mới xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, PGS - TS. Phan Trọng Lân cho rằng, đây thực sự là thách thức rất lớn bởi với bệnh mới xuất hiện thì chúng ta không có những thông tin đầy đủ về đặc điểm dịch tễ học, tác nhân gây bệnh, phương thức lây truyền và cách phòng, chống.

Khoảng 60% các bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật và 75% các bệnh mới nổi có nguồn gốc từ động vật, trong đó một số bệnh bình thường chỉ lưu hành ở động vật nhưng do biến đổi có thể lây truyền và gây bệnh sang người như cúm A(H5N1), cúm A(H1N1). Chính điều đó khiến cho người dân dễ hoang mang, lo lắng khi nhận được những thông tin về số mắc, chết do các loại bệnh “lạ”, mới nổi này.

Mặt khác, công tác y tế dự phòng vẫn còn yếu kém. Ngay cả đội ngũ cán bộ y tế dự phòng ở tuyến tỉnh cũng chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu (cả về số lượng và chất lượng), ở tuyến huyện đáp ứng được 41,6% nhu cầu về nhân lực và hầu hết chưa có cơ sở làm việc độc lập, chưa có trang thiết bị phục vụ trong lĩnh vực này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Tiến (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN