Vì sao trẻ bị sứt môi?

Sự kiện: Bệnh nha khoa

Trong số hàng ngàn trẻ sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật mỗi năm, nguyên nhân được biết đến nhiều nhất là do bà mẹ bị mắc các bệnh nhiễm trùng trong giai đoạn đầu mang thai.

Nhìn cậu con trai hơn 7 tháng tuổi với khuyết tật hiện ngay trên gương mặt, chị Phạm Thị Thao, 31 tuổi, ở huyện Gia Lộc - Hải Dương, không khỏi xót xa. Ngay từ khi mới lọt lòng, bé Nguyễn Tấn Thành đã bị sứt môi, hở hàm ếch nên ăn uống rất khó khăn. Hơn nữa, do bị dị tật nên cháu thường xuyên bị viêm mũi họng, viêm phổi. Sau khi sinh, cháu phải ăn sữa ngoài vì cứ bú là bị sặc.

Vì sao trẻ bị sứt môi? - 1

Khám sàng lọc cho trẻ bị sứt môi hở hàm ếch

Do mẹ tùy tiện dùng thuốc

Theo chị Thao, lúc mang thai được 2 tháng, chị bị cảm cúm nên tự đi mua thuốc uống. Khi sinh con bị sứt môi, hở hàm ếch, các bác sĩ cho biết có thể do chị đã uống thuốc cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Chị Thao đã sống với nỗi giày vò, cho đến khi con chị được phẫu thuật tại Bệnh viện (BV) Việt Nam - Cuba cuối tuần qua. Các bác sĩ đã vá lại phần môi trên hở toác của con trai chị.

Với Nguyễn Thị An, 21 tuổi, ở  huyện Đông Anh - Hà Nội thì hơn 20 năm nay, cô đã trải qua 8 đợt phẫu thuật sứt môi hai bên, hở vòm miệng chỉnh hình răng miệng nhưng do không được luyện phát âm nên giọng nói vẫn khó nghe khiến đôi lúc cô phải dùng ký hiệu. Theo mẹ của An, nguyên nhân khiến cô con gái phải mang khuôn mặt không lành lặn có thể là do hồi mang thai được 3 tháng, bà bị cảm cúm. Hơn chục năm qua, gia đình đã cố gắng chạy chữa với hy vọng “sửa” lại nụ cười và khuôn mặt để con bớt mặc cảm khi giao tiếp.

Hơn 20 năm đồng hành với hoạt động phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch, bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt BV Việt Nam - Cuba cho biết, tuy chưa tìm được nguyên nhân chính xác nhưng hầu hết các bà mẹ khi được khai thác tiền sử lúc mang thai có nói rằng họ từng mắc các bệnh nhiễm trùng cấp trong 3 tháng đầu mang thai như cảm cúm, Rubella… Một số trẻ khác bị sứt môi, hở hàm ếch có thể do gien di truyền trong gia đình. “Gần đây, các nhà khoa học còn phát hiện do ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng khi mang thai, nhất là nếu người mẹ thiếu bổ sung các vitamin đặc biệt là axít folic… cũng làm thai nhi dễ mắc các dị tật” - bác sĩ Nguyễn Thanh Thái lưu ý.

Không được chữa tới cùng!

Theo bác sĩ Thái, trong các dị tật vùng hàm mặt, sứt môi và hở hàm ếch là dị tật thường gặp ở trẻ. Dù phẫu thuật này được triển khai tại Việt Nam đã hơn 20 năm nhưng đến thời điểm này, rất nhiều bà mẹ không có thông tin và không biết chữa bệnh cho con ở đâu. Trẻ sứt môi, hở hàm ếch thường bị viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, ho, sốt, sổ mũi, thiếu cân, suy dinh dưỡng… nhiều hơn so với những trẻ khác do việc ăn uống, bú mẹ gặp khó khăn. Dị tật này còn gây biến dạng mặt, chủ yếu là môi, răng, mũi và ảnh hưởng đến chức năng phát âm, lời nói khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Dù tình trạng này không ảnh hưởng đến bộ não của trẻ nhưng khi lớn lên, trẻ có thể mặc cảm, thiếu tự tin vì nhận ra sự khiếm khuyết trên gương mặt của mình. Với những trẻ này, việc phẫu thuật càng sớm càng giúp các em cải thiện được khả năng ăn uống, khả năng nói và khuôn mặt.

Theo bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật tạo hình - Hàm mặt BV Việt Nam - Cuba, hiện đã có kế hoạch điều trị tổng thể cho tất cả các cháu bị sứt môi, hở hàm ếch từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành (18 tuổi). Trong khoảng thời gian này, bệnh nhân được phẫu thuật môi, vòm miệng, luyện phát âm, ghép xương ổ răng, chỉnh hình môi, mũi, điều trị tâm lý để hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, do quá trình theo đuổi khá dài, chi phí tốn kém nên nhiều trẻ bị sứt môi hở hàm ếch không có điều kiện đến các trung tâm để được tư vấn điều trị mà chỉ thuần túy là vá, đóng lại khe hở môi để giúp trẻ có thể ăn uống được, đỡ bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.

Luyện trẻ phát âm sớm

Bác sĩ Ngô Anh Tú, BV Nhi Trung ương, cho biết có những cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận đã quảng cáo “chữa” khỏi cho trường hợp sau phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch có biến dạng giọng nói thành bình thường. Tuy nhiên, với bệnh nhân lớn tuổi, chỉ có thể cải thiện thẩm mỹ chứ không thể “chữa” được cho người nói bằng giọng mũi, giọng méo trở thành bình thường. Để cải thiện khả năng phát âm cũng như thẩm mỹ, sau phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, trẻ cần được luyện phát âm sớm, tập nói và sẽ được chỉ định các phẫu thuật tiếp theo, tùy theo tình trạng bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Bệnh nha khoa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN