Vì sao thoái hóa khớp ở người Việt ngày càng trẻ hóa?

Các chuyên gia y tế cảnh báo bệnh thoái hóa khớp không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thời gian gần đây tiếp nhận nhiều học sinh trong độ tuổi 13, 14 tuổi bị đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều.

Với những trường hợp này, chỉ khoảng 5-7 năm nữa, ở tuổi ngoài 20, các khớp nhỏ ở ngón tay của trẻ sẽ bị thoái hóa hoặc có thể đốt sống cổ và cơ lưng bị tổn thương...

Lý giải về nguyên nhân khiến bệnh lý xương khớp ngày càng hay gặp ở người trẻ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, lối sống hiện đại khiến con người lười vận động, trong khi đó, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại lại nhiều hơn.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Khi ngồi một vị trí, một tư thế mà sử dụng máy tính, điện thoại trong thời gian dài dễ dẫn đến đau mỏi vai gáy, đau cổ…, từ đó kéo theo các bệnh lý về xương khớp gia tăng. Riêng với người làm công việc văn phòng, tỷ lệ mắc bệnh cơ xương khớp hiện đã lên đến hơn 65%.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, bản thân từng gặp rất nhiều bệnh nhân là các cháu học sinh mới học cấp 2 nhưng đã đau các khớp ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái do chơi điện thoại quá nhiều. Có cháu đã có biểu hiện bị viêm gân.

Với những trường hợp này, chỉ khoảng 5-7 năm nữa, ở tuổi ngoài 20, các khớp nhỏ ở ngón tay sẽ bị thoái hóa.

Khác với người lớn, khi sử dụng các thiết bị thông minh, trẻ thường tập trung vào thiết bị mà quên đi những việc bảo vệ cho các cơ quan của cơ thể. Trẻ có thể chơi điện thoại trong thời gian dài, với tư thế cúi đầu hàng giờ có thể gây tổn thương cho đốt sống cổ và cơ lưng.

Tư thế cầm, giữ điện thoại lúc nằm còn ảnh hưởng tới cơ vai, khớp vai. Đặc biệt, các ngón tay sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu trẻ dùng quá nhiều thiết bị thông minh, từ đó làm giảm hiệu suất học tập của trẻ, giảm khả năng viết của trẻ.

BS Huyền cho biết thêm, nhiều trẻ thường sử dụng điện thoại, máy tính bảng liên tục 2-3 giờ, thậm chí có trường hợp ngoài giờ ăn và ngủ ra lúc nào cũng cầm điện thoại sử dụng.

Theo BS Huyền, khi trẻ sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử thông minh với thời gian dài, tần suất liên tục, bàn tay của trẻ sẽ bị tác động rất lớn vì bàn tay của các cháu luôn phải giữ ở tư thế cố định để cầm điện thoại. Tất cả các phần của tay từ ngón tay, bàn tay đến cả đến cổ tay đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngón tay nào hoạt động nhiều và liên tục, ngón đó sẽ có dấu hiệu mỏi, đau trước tiên.

Ngoài ra, các cơ ở vùng cổ gáy, vai, khủyu nếu giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài sẽ rất mỏi, hoàn toàn không có lợi cho khớp.

"Chơi thiết bị điện tử quá nhiều là nguyên nhân khiến trẻ tăng nguy cơ thoái hóa khớp khi trưởng thành. Lý do, quá trình thoái hóa không phải ngay lập tức mà nó diễn biến từ từ, trải qua nhiều tháng, nhiều năm", BS Huyền nói.

Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu trẻ đang sử dụng thiết bị thông minh có hại cho sức khỏe

- Đau, mỏi bất cứ khớp nào từ cổ, vai, khuỷu, cổ tay, đến các ngón tay.

- Sau một thời gian dài chơi thiết bị điện tử trẻ kêu mỏi, tê tay, ngón cái vận động khó.

- Các khớp cứng lại, mỏi, nhất là khớp ở giữa bàn tay và ngón cái, đó là khớp ở gốc bàn tay, khi để tay không cũng mỏi.

Khi đi học, trẻ đã phải sử dụng tay nhiều, ngay như việc cầm bút viết là các cháu đã luôn phải giữ tay ở một tư thế cố định trong một thời gian dài, đó là tư thế không tốt cho khớp. Khi về đến gia đình trẻ lại tiếp tục sa đà vào các thiết bị điện tử, khi đó tay sẽ phải làm việc rất nhiều.

Vì thế, để ngăn ngừa thoái hóa khớp ở trẻ, cha mẹ nên hạn chế thời gian con tiếp xúc với thiết bị thông minh. Chẳng hạn trẻ chỉ sử dụng điện thoại 30 phút điện thoại rồi phải nghỉ, trong một ngày sử dụng 2-3 lần, mỗi lần 30 phút là tối đa thì lúc đó mới giảm nguy cơ thoái hóa.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể dạy con thả lỏng bàn tay, co duỗi tay nhẹ nhàng, xoay gập cổ tay nhẹ nhàng, không tạo áp lực, không bẻ khớp là cách "thư giãn" tốt nhất cho khớp.

Nguồn: [Link nguồn]

Sau tuổi 40, đây là nhóm tuổi nhóm tuổi được xác định mắc bệnh xương khớp tăng cao nhất trong các bệnh lý của con người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh xương, khớp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN