Vẫn có thể dính phạt nồng độ cồn vì loại thực phẩm này khi không uống rượu, bia
Nhiều người dân băn khoăn, một số đồ uống, thực phẩm sử dụng hàng ngày có thể khiến kết quả thử nồng độ cồn hiện dương tính hay không.
Quả vải là một trong những loại trái cây "có cồn"
Nghị định mới điều chỉnh theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia dụng từ 1/1/2020 quy định: người lái xe (xe đạp, xe đạp điện, xe máy, xe ô tô) có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt rất nặng. Trên mạng xã hội hiện nay, những thông tin như ăn vải, tôm hấp bia, uống siro ho,… cũng có thể “dính phạt” nồng độ cồn khiến không ít người hoang mang, lo lắng.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, ngoài những đồ uống có cồn như bia, rượu, thực tế có rất nhiều thực phẩm, món ăn, thậm chí là thuốc có thể sẽ khiến kết quả thử nồng độ cồn hiện dương tính.
Những đồ uống, thực phẩm này bao gồm:
- Một số thực phẩm như các loại trái cây chín, có lượng đường cao (vải, sầu riêng, chôm chôm…), các loại kẹo cao su không đường, protein bars, các loại nước sốt cay nóng, các món ăn có sử dụng bia, rượu mạnh, rượu vang trong quá trình chế biến.
- Môt số loại đồ uống như thức uống năng lượng, bia hoặc rượu vang không cồn, soda lên men.
- Một số loại siro ho hoặc thuốc ngủ, thuốc hít hen suyễn, một số loại vitamin, nước súc miệng, nước xịt thơm miệng...
- Ngoài ra, một số trường hợp ít gặp, những người bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc những người mắc hội chứng tự sinh rượu - auto-brewery syndrome (còn gọi là hội chứng say xỉn không do uống rượu) cũng có thể có kết quả dương tính khi kiểm tra nồng độ cồn.
Cần có ngưỡng tiêu chuẩn để khống chế các vi phạm sử dụng rượu bia nhưng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiễu đến từ ăn uống, thuốc,...
Tiến sỹ Sơn cho biết, nguyên nhân là vì những loại thực phẩm, món ăn này có chứa một hàm lượng rất nhỏ cồn (trace amounts of alcohol) hoặc một số món ăn sử dụng bia, rượu mạnh, rượu vang trong quá trình chế biến. Mặc dù chỉ sử dụng một lượng nhỏ, không đủ làm say nhưng lượng cồn/rượu này sẽ có thể làm kết quả kiểm tra nồng độ cồn biểu hiện dương tính.
Bên cạnh đó, quá trình lên men đường thành rượu được thực hiện bởi một số loại nấm men. Quá trình này cũng có thể xảy ra một cách tự nhiên khi trái cây chín.
“Tuy nhiên, trong những trường hợp trên, cồn chỉ có trong miệng chứ không có trong cơ thể. Sau khi sử dụng đồ uống, thực phẩm có cồn, hãy đợi ít nhất 15 phút, súc miệng bằng nước sạch trước khi kiềm tra nồng độ cồn trong hơi thở sẽ tránh được kết quả dương tính”, bác sĩ Sơn thông tin.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn cũng chia sẻ, hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn có những ngưỡng tiêu chuẩn về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Tại Mỹ, Anh, Singapore, Canada, Mexico, ngưỡng quy định là 80mg cồn trên 100ml máu, 35 microgam trên 100ml khí thở. Phần lớn các nước Châu Âu hiện nay quy định mức vi phạm là 50mg cồn trên 100ml máu và 22microgam trên 100ml khí thở nhằm khống chế các vi phạm sử dụng rượu bia nhưng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhiễu đến từ ăn uống, thuốc…
“Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông tất nhiên là không tốt. Bởi vậy, Luật phòng chống tác hại của rượu bia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông cũng như bảo vệ sức khỏe người dân, ngăn chặn các hành vi không kiểm soát do rượu bia. Tuy nhiên, việc có một ngưỡng tiêu chuẩn hợp lý sẽ loại bỏ hoàn toàn các dương tính giả”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Nghị định số 100/2019 điều chỉnh theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia áp dụng từ 1/1/2020 quy định:
- Với lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25 mg/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng đối với xe đạp và xe đạp điện; Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với xe máy; Phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 đến 12 tháng đối với ô tô.
- Nếu nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.25 mg đến 0.4 mg/1 lít khí thở: Phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với xe đạp; Phạt từ 4 triệu đến 5 triệu đồng đối với xe máy; Phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng kèm tước giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng đối với ô tô.
- Nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.4 mg/1 lít khí thở: Phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng với xe đạp; Phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với xe máy; Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 đến 24 tháng đối với ô tô.
Nguồn: [Link nguồn]
Trót say xỉn, bạn nhất định phải tuân thủ những nguyên tắc này để giảm những độc hại do rượu bia gây ra.