Từ vụ người đàn ông bán thịt nguy kịch vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn, chuyên gia chỉ rõ tuyệt đối không làm việc này

Sự kiện: Sống khỏe

Người dân ăn thịt lợn phải đảm bảo đã được nấu chín, không ăn thịt tái hoặc sống. Tuyệt đối không nên ăn thịt lợn ốm, đặc biệt là tiết canh.

Vừa qua, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, Hà Nội vừa ghi nhận một nam bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đó là nam bệnh nhân 59 tuổi, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, làm nghề bán thịt lợn. 

Một ngày sau khi sốt cao (39-40 độ C), mệt mỏi, yếu nửa người phải, bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện Quân y 103. Tại đây, bệnh nhân tỉnh táo nhưng tiếp xúc chậm, cứng gáy, yếu nửa người phải. 

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung. Ảnh: VNN

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung. Ảnh: VNN

Kết quả chụp cắt lớp vi tính não của bệnh nhân phát hiện có hình ảnh nhồi máu não vùng nhân bèo phải. Kết quả nuôi cấy dịch não tủy dương tính với Streptococcus suis (vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn).

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 4 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2021).

Dấu hiệu bệnh: rất dễ nhầm với bệnh khác

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng lây từ người sang người. Hầu hết bệnh nhân đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín như nem chạo, nem chua... Tuy nhiên, một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do ăn thịt lợn nhiễm bệnh, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến.

Thời gian ủ bệnh có thể vài giờ đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Dấu hiệu là sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần, dễ lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Liên cầu lợn diễn biến cực kỳ nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Bệnh nhân thường gặp ba thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.

Làm gì để ngăn ngừa nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân nên:

Thịt lợn có màu sắc khác thường thì tốt nhất không nên mua. Ảnh minh họa

Thịt lợn có màu sắc khác thường thì tốt nhất không nên mua. Ảnh minh họa

- Không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín… không sử dụng thịt lợn ốm, thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

- Người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết; cần tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định.

- Lợn mua về nuôi phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi.

- Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn như: sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội: Người đàn ông bán thịt nhập viện vì nhiễm liên cầu lợn

Một ngày sau khi xuất hiện sốt cao (39-40 độ C), người mệt mỏi, yếu nửa người phải, bệnh nhân đã nhập viện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.H ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN