Từ trường hợp vừa tử vong do sốt xuất huyết ở Hà Nội, cần loại bỏ ngay những sai lầm “chết người” nếu không muốn nguy hiểm

Mới đây, Hà Nội đã ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất huyết sau khi sốt 5 ngày, tự mua thuốc điều trị tại nhà. Các chuyên gia khuyến cáo, những lầm tưởng “chết người” về sốt xuất huyết dưới đây mọi người cần thay đổi để tránh những nguy hiểm.

Hà Nội mới đây đã ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết trong vòng 2 tuần. Bệnh nhân sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sau khi mắc sốt xuất huyết, tự mua thuốc điều trị tại nhà. Và trước đó, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nam thanh niên 17 tuổi mắc sốt xuất huyết bị ngừng tim do tự truyền dịch tại nhà. Các trường hợp này bị suy đa tạng, dù được điều trị tích cực khi vào viện nhưng đã không thể qua khỏi.

Hiện nay đang là "mùa" của bệnh sốt xuất huyết khi ở nhiều tỉnh thành đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh. Theo BS Nguyễn Hồng Hà – nguyên PGĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, có khoảng 70% các trường hợp mắc sốt xuất huyết là lành tính, người bệnh có thể tự hồi phục sau 5-7 ngày sốt. Tuy nhiên có những trường hợp có thể gặp biến chứng nặng nề hơn, nhất là những người có bệnh nền mãn tính đi kèm.

Chủ quan với bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Chủ quan với bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Nhiều người chủ quan với sốt xuất huyết do những ngày đầu có biểu hiện khá giống với các bệnh sốt do virus cấp tính. Những lầm tưởng "chết người" về sốt xuất huyết dưới đây khiến bạn có thể gặp nguy hiểm:

* Giảm sốt nghĩa là khỏi bệnh

BS Trần Thị Kim Ngọc – BVĐK Medlatec cho rằng, sốt xuất huyết diễn tiến qua 3 giai đoạn là sốt, nguy hiểm, hồi phục. 3 ngày đầu người bệnh thường sốt cao liên tục, đau cơ bắp, đau đầu… Người bệnh có thể điều trị tại nhà. Tới ngày thứ 4 trở đi, triệu chứng sốt giảm nhưng đây là giai đoạn cần thận trọng vì biến chứng đang nặng hơn (cô đặc máu, tăng tính thấm thành mạch, giảm tiểu cầu,...).

Khi đã cắt sốt cần được theo dõi đặc biệt, đến bệnh viện kiểm tra mới có biện pháp ngăn chặn biến chứng kịp thời. Biến chứng chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm các chỉ số xét nghiệm. Kể từ thời điểm phát bệnh thì sau đó khoảng 7 - 10 ngày bệnh sẽ khỏi, khi đó cơ thể đỡ mệt mỏi, không có nốt ban mới.

* Muỗi vằn chỉ xuất hiện ở ao tù

Thường mọi người nghĩ là muỗi vằn chỉ xuất hiện ở những ao tù, cống rãnh mất vệ sinh. Thế nhưng chúng có thể trú ngụ và sinh sôi trong bể nước cá cảnh, lọ cắm hoa, hòn non bộ, sân thượng,... Do đó mà mầm bệnh luôn tiềm ẩn xung quanh chúng ta.

Mọi người cần chú ý thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ nước đọng trong nhà và ngoài nhà… không để cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn.

* Sốt xuất huyết không lây

Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp hay tiếp xúc giữa người với người. Bệnh chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Nếu sống trong vùng dịch, vẫn có khả năng lây bệnh.

* Chỉ cần uống kháng sinh là chữa được sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra không phải vi khuẩn, kháng sinh rất khó có tác dụng chữa khỏi. Việc tự ý mua thuốc khoáng sinh điều trị còn làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn, thậm chí còn nguy hiểm tính mạng.

* Cạo gió khi sốt

Việc cạo gió khi bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm khiến da bị bầm, chảy máu khó cầm hoặc nhiễm trùng huyết từ chính dụng cụ.

* Không tắm rửa khi mắc bệnh

Những bệnh nhân sốt xuất huyết vẫn có thể tắm gội bằng nước ấm rồi lau khô, đôi khi còn hỗ trợ hạ sốt. Lưu ý là khi tắm cầm tránh kì cọ mạnh vì sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ.

* Sốt xuất huyết không tái mắc

Đây là sai lầm của rất nhiều người. Thực tế, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type khác nhau ký hiệu là D1, D2, D3, D4 và luân phiên gây dịch. Do đó, khác với các bệnh khác mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời.

Cơ thể tuy có cơ chế sinh kháng thể chống lại virus gây bệnh nhưng chỉ là miễn dịch với 1 loại đã từng bị còn vẫn có nguy cơ mắc các chủng virus sốt xuất huyết còn lại nên vẫn tái nhiễm với các type khác nhau. Sau mỗi lần mắc, tình trạng bệnh có thể nặng, diễn biến phức tạp hơn nên không được chủ quan.

* Phun thuốc diệt muỗi sẽ an toàn tuyệt đối

Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine đặc hiệu. Biện pháp quan trọng nhất để phòng tránh vẫn là kiểm soát hoạt động của muỗi truyền bệnh như diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt…

Nhiều người nghĩ là gia đình phun thuốc diệt muỗi là vĩnh viễn muỗi không xuất hiện lại trong hàng tháng đó. Tuy nhiên, chỉ vài giờ đồng hồ sau phun, lượng hóa chất sẽ bay đi hết, những đàn muỗi khác vẫn tiếp tục bay vào nhà. Việc phun thuốc chỉ có được hiệu quả khi được phun đồng loạt, tổng thể cả cụm dân cư.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội: Thêm 1 người tử vong vì tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Nam bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tử vong ngày 1/9, 57 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội do đến bệnh viện quá muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN