Tự mua thuốc giảm đau, hạ sốt trong mùa dịch nguy hiểm thế nào?

Theo các chuyên gia, việc tự mua thuốc giảm đau, hạ sốt uống trong mùa dịch sẽ làm giảm các triệu chứng khiến người bệnh không biết mình bị nhiễm COVID-19.

Không tự mua thuốc giảm đau, hạ sốt uống trong mùa dịch sẽ làm giảm các triệu chứng khiến người mắc bệnh không biết mình bị nhiễm COVID-19. Ảnh minh họa

Không tự mua thuốc giảm đau, hạ sốt uống trong mùa dịch sẽ làm giảm các triệu chứng khiến người mắc bệnh không biết mình bị nhiễm COVID-19. Ảnh minh họa

Nguy hiểm khi tự mua thuốc sốt, giảm đau

Mỗi khi cơ thể có triệu chứng nào đó về sức khỏe, người dân vẫn có thói quen tự mua thuốc uống. Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau như paracetamol và inbrofen... là những loại thuốc cơ bản được phép dùng. Thế nhưng thói quen tự ý mua, dùng quá liều từng khiến nhiều người cấp cứu vì ngộ độc thuốc hạ sốt paracetamol.

Trong thời điểm dịch COVID-19, thói quen này càng nguy hiểm hơn. Thời gian vừa qua, người dân đổ xô mua thuốc trị sốt rét để tự ý dùng phòng ngừa, điều trị trong khi loại thuốc này cần phải có chỉ định, không thể tự uống. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã điều trị cho một bệnh nhân uống 15 viên thuốc trị sốt rét (chloroquin 250mg) để phòng COVID-19 theo tin đồn.

Theo chuyên gia, việc dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nếu trong trường hợp có yếu tố nguy cơ dịch tễ còn ảnh hưởng đến việc phát hiện bệnh. Ghi nhận trong số các ca nhiễm COVID-19 tại nước ta hiện nay, cũng đã xuất hiện những trường hợp trước khi dương tính đã tự ý mua thuốc điều trị làm việc phát hiện muộn. Như trường hợp bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội, ngày 21/3 sau 9 ngày đưa vợ đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân thấy sốt và đau mỏi người nên tự mua thuốc cảm cúm về uống và thấy đỡ nên sau đó đã tiếp tục những sinh hoạt khác của mình.

Hay như bệnh nhân số 20, lái xe của bệnh nhân số 17 khi xuất hiện triệu chứng ho và sổ mũi cũng đã tự mua thuốc cảm cúm về uống. Sau khi uống, những cơn ho, sổ mũi đã đỡ và nghĩ mình chỉ bị cảm cúm thông thường nên anh này lại tiếp tục các hành trình sinh hoạt của mình mà không hề biết là mình bị nhiễm COVID-19. Việc đi lại sau đó của những bệnh nhân này ở nhiều nơi đã làm cho việc kiểm soát bệnh tốn kém, mất nhiều công sức.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, mùa dịch COVID này tất cả các trường hợp biểu hiện cảm cúm nên đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm. Nếu tự ý mua thuốc về điều trị có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm khi nhập viện muộn do viêm phổi, biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Việc tự ý dùng thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến những triệu chứng để phát hiện COVID-19. Thuốc giảm đau, hạ sốt sẽ làm giảm các triệu chứng khiến người bệnh không biết mình bị nhiễm bệnh mà vẫn sinh hoạt bình thường trong cộng đồng. Vì, các loại thuốc trên không diệt được virus, nó chỉ làm mất triệu chứng tạm thời, sau lại quay lại vì giảm sốt xong lại sốt lại. Bệnh COVID-19 hiện chưa có thuốc đặc trị nên tình trạng sẽ trầm trọng hơn.

"Trường hợp người bệnh không để ý đến tình trạng của mình, chỉ cho rằng là cảm cúm thông thường mà đi ra cộng đồng sẽ là nguy cơ cho cộng đồng. Bởi vậy, tốt nhất nên đến cơ sở y tế hoặc gọi điện đến cơ quan y tế khu vực để được hướng dẫn cho mình nên làm gì, tìm hiểu dịch tễ xem tiếp xúc với ai hay không… Hiện giờ tất cả những người có triệu chứng cúm đến bệnh viện đều phải xét nghiệm xem có nhiễm COVID-19 hay không?", BS Nga khuyến cáo.

BS Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) cũng cho biết, thứ nhất, sốt có thể cảnh báo rất nhiều bệnh hô hấp thường gặp, trong đó có hội chứng viêm đường hô hấp cấp do COVID-19. Thuốc hạ sốt, giảm đau là dược phẩm cơ bản có trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Vấn đề quan trọng là dùng thế nào. Nếu có nguy cơ như từng tiếp xúc với người nhiễm, đến từ vùng dịch… thì đi khám trước, không nên uống xong hết bệnh là bỏ qua nguy cơ. Thứ 2, cần uống đúng liều vì nếu quá liều sẽ ảnh hưởng đến gan, thậm chí nguy cơ ngộ độc.

Liều đúng là 10-15mg paracetamol trên mỗi cân nặng. Người trưởng thành có thể dùng viên uống chứa 650mg paracetamol, khoảng cách giữa 2 lần uống từ 4 - 6 giờ và không uống quá 6 viên/ngày.

Song song thực hiện hạ sốt, mọi người cần nghĩ xem lại lộ trình di chuyển, đặt câu hỏi nhận diện nguy cơ nhiễm COVID-19. Xem mình có sống, đến từ vùng dịch không? Có tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19 trong 14 ngày qua hay không?... Nếu một trong số câu trả lời là có hoặc không rõ cần liên hệ đến đường dây nóng của Bộ Y tế hoặc tới bệnh viện làm xét nghiệm ngay, nhưng cần nhớ mang khẩu trang và tránh phương tiện công cộng để hạn chế lây cho cộng đồng.

Nâng cao sức đề kháng phòng bệnh

Theo BS Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), dịch COVID-19 đang diễn ra trùng với thời điểm bùng phát các bệnh giao mùa như: Cúm A, cúm B, cảm lạnh… Triệu chứng của các bệnh này có nhiều điểm giống nhau, để tránh những hiểu lầm mọi người cần thận trọng.

Cảm cúm thông thường do các loại cúm gây ra, có vaccine phòng bệnh và có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi mọi người bị cảm cúm thường có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như đau ngực, khó thở dẫn tới viêm phổi.

Còn COVID-19 là virus chủng mới gây ra. Trước mọi người vẫn nhầm với virus cúm nhưng đây là hai virus hoàn toàn khác nhau. Khi người bệnh bị COVID-19 cũng có những triệu chứng tương đối giống với cúm thông thường. Bệnh nhân cũng có sốt, ho, đau mỏi người, có các tổn thương viêm phổi.

Tuy nhiên, có một cái phân biệt dễ dàng là bệnh nhân bị cúm thông thường sẽ có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. COVID-19 người bệnh chỉ ho khan, ho dai dẳng, sốt; có yếu tố dịch tễ như có tiếp xúc với người bị nhiễm, nghi nhiễm hoặc từ vùng dịch về… Song với người dân để phân biệt giữa hai bệnh này cũng rất khó nên nếu có nghi ngờ mắc COVID-19 hãy đeo khẩu trang y tế, tự cách ly tại nhà, dùng vật dụng cá nhân riêng và gọi theo đường dây nóng của Bộ Y tế để được hướng dẫn. Nếu như triệu chứng nặng hơn, cần phải đến sở y tế.

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh các loại virus tấn công mọi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn chín, uống sôi, ăn nhiều trái cây tươi… Đồng thời, tăng cường luyện tập thể dục, vận động cơ thể phù hợp để tăng cường thể lực.

Trong thời điểm này cần tuyệt đối thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

Nguồn: [Link nguồn]

Uống thuốc sốt rét để phòng Covid-19: Bộ Y tế lên tiếng

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa lên tiếng về tình trạng uống thuốc sốt rét để phòng Covid-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN