Trẻ dễ bị nhiễm độc từ đồ chơi

Sự kiện: Ung thư

Cha mẹ cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị nhiễm độc chất từ đồ chơi. Tốt nhất, không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ.

Với đồ chơi, khi trẻ chỉ cầm, sờ thôi thì ít ai nghĩ rằng chúng sẽ gây hại. Thực tế không phải vậy, những màu sắc sặc sỡ của món đồ chơi hoàn toàn có thể hại trẻ nếu phẩm màu tạo nên màu sắc đó chứa tạp chất độc hại.

Lượng độc chất quá cao

Cách nay không lâu, báo chí đã phát hiện lồng đèn nhựa Trung Quốc chứa chất gây nguy hại cho sức khỏe là cadimi. Lượng cadimi qua kiểm nghiệm chứa trong đồ chơi bắt mắt trẻ con nhiều gấp 123 lần mức cho phép trong Bộ Tiêu chuẩn an toàn đồ chơi do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Trẻ dễ bị nhiễm độc từ đồ chơi - 1

Cha mẹ cần bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị nhiễm độc chất từ đồ chơi Ảnh: Hoàng Triều

Điều rất đáng quan tâm là trước vụ đồ chơi trẻ có chứa cadimi được phát hiện không lâu, đã có các thông tin về ngộ độc chì ở trẻ do tiếp xúc với sản phẩm có dư lượng chì quá cao. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết các mẫu cốc thủy tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc mà đơn vị này kiểm tra đều có hàm lượng chì cao gấp hàng ngàn lần so với quy định cho phép. Còn ở TP HCM, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP đã phát hiện trong sơn phủ đồ chơi cờ tướng của trẻ em chứa hàm lượng chì đến 835 mg/kg, trong khi giới hạn lớn nhất cho phép đối với độc chất này là 90 mg/kg (vượt ngưỡng đến hơn 9 lần).

Sau đó, báo chí lại đưa tin Anh và Pháp quyết định cấm, tịch thu và hủy hàng loạt đồ chơi búp bê đầu trái cây do Trung Quốc sản xuất vì chứa chất phtalat độc hại.

Cadimi vượt ngưỡng gây ung thư

Cadimi có tên khoa học cadmium, ký hiệu Cd, là một nguyên tố vô cơ. Cd được phân vào nhóm kim loại nặng, trong đó Cd cùng với chì, thủy ngân là các độc chất thuộc loại độc nhất đối với cơ thể con người. Vì Cd tạo ra các hợp chất cho màu sắc đẹp khác nhau (như Cd sulfid cho màu vàng, Cd selenid cho màu đỏ, Cd oxid cho màu nâu…) nên các hợp chất Cd được dùng làm phẩm màu trong sản xuất sơn. Do Cd độc gấp nhiều lần so với chì nên người ta quy định Cd không được vượt quá giới hạn cho phép trong môi trường, đặc biệt là trong các sản phẩm có dùng các hợp chất chứa độc chất này. Lượng Cd được phép có trong đồ chơi trẻ em theo tiêu chuẩn Việt Nam là 60 microgram/kg, tức lớp sơn phủ đồ chơi không được chứa quá 60 microgram Cd trong 1 kg lớp sơn phủ đó. Trong sơn phủ của lồng đèn nhựa mà báo chí đưa tin, Cd cao hơn gấp 123 lần mức cho phép (tức chứa đến 7.390 microgram/kg) là quá cao. Trẻ con khi chơi đồ chơi không chỉ sờ, nắm mà còn hay liếm, cắn, ngậm nên chắc chắn sẽ hấp thu độc chất nếu đồ chơi đó chứa độc chất. Ngày nay, người ta đã xác định tác hại của Cd khi xâm nhiễm cơ thể người là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận nặng, gây ra nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi...

Nhiễm độc chì gây thiếu máu

Chì ký hiệu Pb cũng là kim loại nặng. Về độc tính, các muối chì đều rất độc và độc tính của nó rất phức tạp. Khi vào cơ thể, chì tích lũy trong các mô nhiều mỡ như não, gan hoặc mô nhiều sừng như da, lông, tóc, móng. Chì có tác dụng gây hại lên các hệ thống men cơ bản, nhất là men hemosynthetase trong quá trình vận chuyển tổng hợp heme là chất tạo ra hemoglobin (tức huyết sắc tố tạo màu đỏ hồng cầu có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong hô hấp). Nếu chì hiện diện trong máu trên 0,3 ppm sẽ ngăn cản quá trình ôxy hóa glucose tạo ra năng lượng duy trì sự sống và nếu hàm lượng chì/máu trên 0,8 ppm sẽ gây thiếu máu do thiếu hụt hemoglobin theo cơ chế vừa kể. Thiếu máu có thể xem là dấu hiệu đầu tiên trong nhiễm độc chì.

Phtalat khiến bé gái dậy thì sớm

Với độc chất phtalat, tác hại thường gặp của nó là làm xáo trộn nội tiết. Đặc biệt, bé gái bị nhiễm phtalat sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Phtalat nếu xâm nhiễm vào cơ thể trẻ sẽ hoạt động như estrogen - hormone sinh dục nữ được gọi là xenoestrogen (có tác dụng giống như estrogen từ bên ngoài đưa vào cơ thể). Cơ thể bé gái chưa dậy thì nhưng do tiếp xúc với xenoestrogen xem như có một lượng estrogen trong cơ thể. Estrogen này sẽ đánh thức buồng trứng và làm xuất hiện sớm những hiện tượng đặc trưng của giới tính nữ. Đó là bé gái phát triển vú, sau đó mọc lông nách, lông trên xương mu và xuất hiện kinh nguyệt. Cũng vì tác hại của dẫn chất phtalat nên hiện nay, nghị viện châu Âu tuyệt đối không cho phép các phtalat có trong đồ chơi trẻ em và cả trong mỹ phẩm.

Như vậy, chúng ta cần cảnh giác đối với đồ chơi của trẻ. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra đồ chơi cho trẻ và cả đồ dùng sinh hoạt hằng ngày (như cốc thủy tinh, đồ nhựa, chén bát...) có màu sắc sặc sỡ đang lưu hành, xem có chứa các độc chất vượt quá giới hạn cho phép hay không.

Về phần mình, cha mẹ cần nâng cao ý thức bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị nhiễm độc chất từ đồ chơi. Tốt nhất, không chọn đồ chơi sơn phủ màu sắc sặc sỡ cũng như không mua đồ chơi có nguồn gốc không rõ ràng hoặc nơi sản xuất thường bị tai tiếng về chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức (Người lao động)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN