Trẻ bệnh nặng vì mẹ không biết chăm sóc

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, tỷ lệ lớn trẻ nhập viện là do phụ huynh chăm sóc trẻ chưa đúng cách.

Trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy do cha mẹ

PGS. Dũng cho biết, trung bình một ngày Khoa Nhi- BV Bạch Mai tiếp nhận khoảng 150- 200 bệnh nhi. Cá biệt có những ngày lượng bệnh nhi đến khám lên tới hơn 300 trường hợp. Trong đó, số bệnh nhi đến khám chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, sởi, thủy đậu; rubella; lác đác có trường hợp mắc tay chân miệng.

Theo PGS. Dũng, đây là thời điểm xảy ra các dịch bệnh liên quan tới hô hấp, tiêu chảy. "Năm nào tình trạng này cũng xảy ra nhưng kiến thức về phòng bệnh cho trẻ của các bậc phụ huynh vẫn chưa được nâng cao", PGS.Dũng nói.

Có mặt tại Khoa Nhi- BV Bạch Mai sáng 11/4/2013, chúng tôi thấy một lượng lớn bệnh nhân nhi đến khám và điều trị.

Trẻ bệnh nặng vì mẹ không biết chăm sóc - 1

Đa số bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy

Chị Lê Phương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, con bị sốt, đi ngoài phân loãng nhưng gia đình nghĩ do con sốt mọc răng, nên không đưa đi khám. Nay đến viện bác sỹ cho biết con bị tiêu chảy do Rota vi rút.

Chị Đào Bích Phương (Ba Đình, Hà Nội) cũng mang con đi khám trong tình trạng trạng sốt, ho, chảy nước mũi. Đầu tiên gia đình nghĩ do cháu bị cảm lạnh, cho uống Paracetamol hai ngày sau vẫn không khỏi. Chị Phương cho đi khám, bác sỹ kết luận cháu bị viêm phế quản cấp, phải nhập viện điều trị.

Internet không phải là bác sĩ

Theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng, có rất nhiều phụ huynh chữa bệnh cho con bằng cách vào internet tìm kiếm thông tin và các bài thuốc chữa trị. Đôi khi các bà mẹ còn dùng lại đơn thuốc mà bác sỹ đã cho trước đó để chữa bệnh cho trẻ mà không đưa trẻ đi khám.

Theo BS Đào Thị Ngân, Khoa Tai mũi họng- BV Bạch Mai, nhiều phụ huynh thấy con ốm đến bệnh viện thấy bác sỹ khám rất nhanh rồi kê đơn và nghĩ việc khám này chỉ là qua loa. Vì thế, lần sau thấy con có biểu hiện bệnh tương tự lại vào internet rồi tự mua thuốc cho con.

BS Ngân nhấn mạnh, mỗi đơn thuốc chỉ có giá trị trong vòng 2-3 ngày, thậm chí chỉ 1 ngày, tùy từng loại bệnh. "Nhiều khi, trẻ có biểu hiện bệnh giống nhau nhưng gốc bệnh lại khác nhau nên không thể dùng chung một loại thuốc", BS Ngân nói.

Trẻ bệnh nặng vì mẹ không biết chăm sóc - 2

"Sai lầm lớn nhất của cha mẹ khi con ốm là tự ý dùng thuốc", PGS Dũng nói.

PGS. Dũng cũng cho cho rằng: Cứ 10 phụ huynh vào viện thì 9 người tự ý cho con uống kháng sinh trước khi vào viện. Suy nghĩ của phần lớn phụ huynh là cứ viêm họng là phải kháng sinh và dùng kháng sinh sẽ khỏi. Có nhiều trường hợp tự ý sử dụng kháng sinh gây hậu quả cho trẻ như dị ứng, kháng thuốc (dùng không đủ liều) hay ngộ độc vì quá liều… Ngoài ra, nhiều trẻ bị tác dụng phụ của kháng sinh như tiêu chảy, loạn khuẩn đường ruột khiến các cháu ăn uống càng kém, càng quấy khóc.

Theo các chuyên gia, tìm hiểu thông tin chăm sóc sức khỏe trên internet rất nên làm nhưng cần hiểu thông tin ấy chỉ chung chung. Qua đó, các bà mẹ có thể nhận biết dấu hiệu bất thường, biết đến các biện pháp chăm sóc trẻ thông dụng... Khi áp dụng chế độ ăn uống nào đó, hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chắc chắn rằng điều đó tốt cho mình, chứ đừng tự làm bác sĩ.

Ngoài ra, khi cha mẹ muốn tư vấn từ internet nên tìm các nguồn thông tin có tính tin cậy cao, như trang web của các bệnh viện chuyên khoa, các hội Nhi khoa của Việt Nam và thế giới, những tờ báo chuyên ngành hay các diễn đàn có BS trực tiếp tham gia tư vấn… Nên tránh các bài viết không rõ tác giả, không rõ nguồn, chỉ trích lời chung chung mà không hề có ý kiến chuyên gia với tên, chức danh rõ ràng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN