Trẻ nhập viện vì mẹ “nhồi” kháng sinh

Nhiều phụ huynh tin rằng kháng sinh chữa được bách bệnh nên mua kháng sinh về tự điều trị cho con.

Kháng sinh dự phòng bách bệnh?

Cháu Lan Phương (4 tuổi Từ Liêm, Hà Nội) mỗi khi hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ là mẹ cháu lại cho uống mấy viên kháng sinh dự phòng viêm họng. Lần này, thấy con khó thở, chị Kim con đi khám thì cháu đã bị biến chứng viêm phổi, phải rất khó khăn các bác sĩ mới tìm ra phác đồ điều trị phù hợp với thể trạng của cháu. Các bác sĩ cho biết, vì cha mẹ tự làm “bác sĩ” nên hầu hết trẻ bị nhờn thuốc, rất khó điều trị.

Trường hợp cháu Xuân Tùng (5 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội) bị ho kéo dài 3 ngày. Sợ biến chứng viêm phổi nên chị Vân vội cho con uống kháng sinh ngay khi có triệu chứng ho. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng việc dùng kháng sinh cho cháu Tùng không những không có tác dụng phòng biến chứng viêm phổi mà còn gây ra dị ứng, tiêu chảy…rất nguy hiểm.

Trẻ nhập viện vì mẹ “nhồi” kháng sinh - 1

Một ca bị dị ứng, tiêu chảy do tự ý dùng kháng sinh

BS Cấn Phú Nhuận, Nguyên Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khoảng 40% số trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp trước khi đến khám đều dùng kháng sinh, đến khi sức khỏe không cải thiện gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện. Lúc này, bệnh đã nặng, các bác sĩ buộc phải thử nhiều phác đồ mới điều trị dứt bệnh cho trẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, việc sử dụng kháng sinh không cần thiết còn làm gia tăng các vi khuẩn kháng thuốc. Do đó, khi trẻ bị bệnh mà cần phải dùng kháng sinh sẽ rất khó chữa trị. Có trường hợp phải dùng các loại kháng sinh đắt tiền để tiêm và truyền tĩnh mạch nhưng vẫn thất bại.

Khi nào nên cho trẻ dùng kháng sinh

PGS. Dũng cũng đưa ra một số lời khuyên về việc dùng kháng sinh cho từng trường hợp như: Những trẻ có triệu chứng nhẹ không có các dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng như sốt cao, họng có mủ, sưng đỏ, thở mệt, khó thở, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng, X-quang phổi có tổn thương thì không nên uống kháng sinh.

Trường hợp trẻ bị viêm mũi họng cấp hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cha mẹ không nên dùng kháng sinh. Việc điều trị chủ yếu là giảm các triệu chứng như hạ sốt, ho, sổ mũi và bệnh sẽ tự khỏi sau 3-7 ngày.

“Bệnh hô hấp trên ở trẻ do virus chiếm đa số nên uống kháng sinh không thể cải thiện bệnh mà chỉ làm trẻ mệt thêm. Những trường hợp này dùng kháng sinh có thể làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng lại kháng sinh khiến bệnh nặng thêm”. PGS Dũng nói.

Trẻ nhập viện vì mẹ “nhồi” kháng sinh - 2

Theo PGS Dũng, trẻ chỉ được dùng thuốc khi được bác sĩ khám và chẩn đoán chính xác bệnh

Nếu trẻ có biểu hiện viêm họng, viêm amidan cấp do liên cầu thì cần được điều trị đúng và đủ liều kháng sinh để phòng biến chứng đến tim.

Trong trường hợp trẻ bị viêm tai giữa cấp thì cha mẹ nên điều trị triệu chứng. Sau 2 ngày bệnh không đỡ mới dùng kháng sinh.

Đối với những trẻ bị viêm mũi xoang cấp khi có biểu hiện là chảy mũi, tắc mũi, ho về ban ngày thường không đỡ sau 10 ngày hoặc bệnh nặng hơn với các biểu hiện như: sốt, chảy mũi mủ, đau ở vùng xoang trên mặt sau 5-7 ngày. Thời gian dùng kháng sinh phụ thuộc vào thời gian hết các triệu chứng và cộng thêm 1 tuần sau khi hết triệu chứng.

Từ những báo động về tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi, PGS Dũng lưu ý, trẻ chỉ được dùng thuốc khi được bác sĩ khám và chẩn đoán chính xác bệnh. Cha mẹ không nên tự mua thuốc cho trẻ uống vì trẻ nhỏ sức đề kháng yếu, triệu chứng bệnh không rõ ràng, uống thuốc không đúng sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Theo thống kê của Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hầu hết các thuốc kháng sinh hiện nay đã bị kháng. Trong số những bệnh nhân bị các bệnh nhiễm khuẩn như bệnh hô hấp, bệnh đường tiêu hóa... đã từng đến khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện, chỉ có 1/3 số bệnh nhân cần điều trị bằng kháng sinh, số còn lại không nhất thiết phải sử dụng.

Qua khảo sát tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trong số 30 loại thuốc kháng sinh thế hệ mới, có đến 13 loại thuốc đã bị kháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN