Trả lại khuôn mặt sau 9 giờ phẫu thuật

Lần đầu tiên ở Việt Nam các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia trong vòng 9 giờ đồng hồ đã tạo hình thành công toàn bộ khuôn mặt cho bệnh nhân bị biến dạng khuôn mặt do bỏng axit, mũi miệng gần như bị san phẳng... bằng kỹ thuật vi phẫu dùng vạt da tự thân. Đây là một thành công “mang tầm quốc tế” của các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia.

TS. Vũ Quang Vinh, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia - người trực tiếp thực hiện hai ca tạo hình mặt cho biết, vào tháng 11/2011, Viện Bỏng Quốc gia đã tạo hình thành công gần hết khuôn mặt cho bệnh nhân D. cũng bị bỏng hóa chất nhưng mũi, miệng vẫn còn nguyên hình dạng nên để tạo hình cho bệnh nhân này chỉ phải làm phần má, cằm.

Trả lại khuôn mặt sau 9 giờ phẫu thuật - 1

Bệnh nhân T. trước khi phẫu thuật.

Phương pháp vi phẫu bằng vạt da tự thân cho toàn bộ khuôn mặt được xuất phát từ ý tưởng của một thầy giáo người Nhật Bản trong quá trình hợp tác và chuyển giao kỹ thuật. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các bác sĩ cũng sử dụng phương pháp này nhưng sau 3 tháng mới chuyển lên nối mạch vi phẫu và bệnh nhân phải chờ một thời gian sau mới tiếp tục được tạo hình mũi, miệng.

Còn khoa Phẫu thuật tạo hình - thầm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia đã thực hiện phẫu thuật tạo hình toàn bộ khuôn mặt cho bệnh nhân chỉ trong vòng 9 tiếng đồng hồ và tạo hình ngay miệng, mũi mà không phải đợi thời gian.

Còn tình trạng của bệnh nhân T. phức tạp và khó hơn rất nhiều… Vì mũi, miệng của bệnh nhân T. bị biến dạng do sự hủy hoại của axit, các bác sĩ phải lấy vạt da rộng hơn và trong quá trình tạo hình phải đồng thời tạo hình mũi và miệng cho bệnh nhân. Để tạo hình mũi và miệng ngay cho bệnh nhân thì việc tìm ra nguồn máu thứ hai cung cấp cho vạt da ghép là điều hết sức quan trọng. Vì có hai nguồn cung cấp máu nuôi da nên các bác sĩ có thể tạo hình ngay mũi, miệng mà không sợ vùng cắt để tạo hình mũi, miệng bị thiếu máu và hoại tử.

Ca thứ hai hoàn thiện hơn trong ứng dụng kỹ thuật mới

Nói về sự thành công của ca bệnh này, TS. Vũ Quang Vinh cho biết, trước đây tạo hình vạt da tự thân chỉ làm được ở những diện tích bỏng rất nhỏ vì lúc đó chưa tìm được thêm nguồn máu để nuôi dưỡng vạt da to hơn, nên nếu lấy vạt da rộng mà chỉ có một nguồn máu sẽ không đủ cung cấp cho toàn bộ vạt da ấy và vạt da ấy sẽ bị hoại tử.

Vì vậy, nguyên lý quan trọng nhất là tìm thêm nguồn cung cấp máu để lấy vạt da ở diện tích rộng hơn. Trường hợp của bệnh nhân T., các bác sĩ đã lấy vạt da ở lưng. Tại vạt da lưng có hai động mạch là động mạch mũ vai (động mạch chính) và nhánh xuyên động mạch liên sườn (nhánh phụ), khi ghép lên mặt, trên mặt có mạch nhận là bó mạch thái dương và bó mạch mặt cùng và đối bên.

Trả lại khuôn mặt sau 9 giờ phẫu thuật - 2

Bệnh nhân T sau phẫu thuật.

Kíp phẫu thuật đã thực hiện nối chéo, mạch chính vào mạch phụ và như thế toàn bộ vạt da lớn với kích thước khoảng 35cmx25cm đều được nuôi sống… Sau 9 tiếng đã tạo hình thành công khuôn mặt và tạo hình đồng thời mũi, miệng cho bệnh nhân.

Hiện nay, trên thế giới để điều trị cho bệnh nhân bị biến dạng toàn bộ khuôn mặt, có thể sử dụng hai phương pháp: ghép mặt đồng loại (ở nước ta chưa thực hiện được) và phương pháp vạt da tự thân. Phương pháp ghép mặt đồng loại là lấy da tử thi để ghép, về cơ bản phương pháp này dễ bị biến chứng và gặp nhiều khó khăn từ việc tìm xác hiến phù hợp, đến việc phải dùng thuốc ức chế miễn dịch nếu không sẽ bị thải loại, người được ghép phải sống trong điều kiện bảo vệ nghiêm ngặt, dễ nhiễm khuẩn và khuôn mặt dễ có biến dạng… Vì thế, so với kỹ thuật ghép đồng loại, phương pháp vạt da tự thân có ưu điểm hơn… Nhưng phương pháp vạt da tự thân bằng vi phẫu ở các nước cũng thực hiện theo các cách khác nhau.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuệ Khanh (Sức khỏe đời sống)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN