TP.HCM: Cảnh báo dấu hiệu bệnh ho gà quay trở lại

Sự kiện: Sống khỏe

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, chỉ 3 tháng đầu năm 2017 cả nước đã ghi nhận 82 trường hợp mắc ho gà, trong đó có 5 ca tử vong. Riêng tại TP.HCM có 1 trường hợp mắc bệnh.

TP.HCM: Cảnh báo dấu hiệu bệnh ho gà quay trở lại - 1

Ảnh minh họa

Bệnh nhân là trẻ mới 3 tháng tuổi, được tiêm ngừa 1 mũi vắc xin Quinvaxem phòng bệnh ho gà theo lịch, hiện trẻ đã điều trị ổn, không phát hiện lây lan bệnh.

Theo bà Trương Thị Thanh Lan, Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, ho gà một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp nguy hiểm. Bệnh có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi.

Khi mắc bệnh trẻ ho rũ rượi từng cơn liên tục, kéo dài ít nhất 2 tuần và kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng sau mà không rõ nguyên nhân khác: Nôn sau ho, đỏ mặt, lưỡi thè dài, chảy nước mắt; có thể ngừng thở hoặc tím tái. Mệt bơ phờ, người đẫm mồ hôi, chảy dãi trong suốt, thở rít, thở gấp sau mỗi cơn ho.

Bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, bất kể đối tượng nào cũng có thể nhiễm bệnh, nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Tuy nhiên, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ diến tiến nặng và tử vong.

Để phòng bệnh cho trẻ, biện pháp tốt nhất là thực hiện tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch. Do tính nguy hiểm của bệnh, Bộ Y tế đã đưa bệnh ho gà vào danh sách các bệnh phải được tiêm chủng mở rộng cho tất cả các trẻ với lịch tiêm chủng như sau: tiêm mũi đầu tiên khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi, mũi 3 lúc 4 tháng tuổi và đặc biệt trẻ cần phải được tiêm nhắc lúc 18 tháng. Đây là mũi tiêm rất quan trọng trong việc tăng cường đáp ứng miễn dịch để phòng bệnh cho trẻ.

Khi trẻ được 4-6 tuổi, việc tiêm nhắc cũng cần được thực hiện nhằm duy trì đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ đã qua độ tuổi tiêm chủng mà chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi theo lịch thì gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm ngừa phòng bệnh cho trẻ.

Trên thế giới, việc tiêm phòng bệnh ho gà cũng được khuyến khích đối với người lớn vì có lợi ích không những phòng bệnh cho bản thân mà còn giúp phòng bệnh cho con cái và gia đình. Đặc biệt, phụ nữ dự định có thai hoặc có thai (thai từ 27-36 tuần), việc tiêm vắc xin còn giúp phòng bệnh cho thai nhi, do miễn dịch của mẹ sẽ truyền qua cho con trong thời kỳ mang thai qua nhau thai. Việc tiêm ngừa cần được thực hiện trong mỗi lần mang thai.

Lịch tiêm chủng dành cho người lớn sẽ được tư vấn cụ thể tại các cơ sở tiêm chủng. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đang giao cho Cục Quản lý dược và Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia xem xét để có hướng dẫn cụ thể về việc tiêm phòng dịch ho gà cho phụ nữ mang thai.

Bên cạnh đó, việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho và hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, đảm bảo nơi ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng cũng là yếu tố quan trọng trong phòng bệnh. Gia đình phải cho trẻ nghỉ học, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời khi trẻ có các dấu hiệu mắc bệnh hoặc khi thấy trẻ ho kéo dài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên (Infonet)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN