“Thảm họa” nợ nần do chi trả y tế

Viện phí tăng trong khi thu nhập của người dân không thay đổi. Chỉ sau một trận ốm, nhiều người có khả năng chi trả có thể trở nên cùng quẫn. Còn những người nghèo, cận nghèo, người không được chi trả BHYT thì lâm vào "thảm họa” nợ nần.

Bà P.T.H ở Bảo Yên - Lào Cai bị ung thư gan nhưng không có thẻ BHYT. Khi xuống bệnh viện K khám và điều trị đã  không kham nổi các khoản viện phí cũng như chi phí ăn ở, đi lại. Bà bỏ viện về nhà dù bệnh đang ở giai đoạn muộn. Gia đình phải bán một vài trong số 10 con trâu đang nuôi để lấy tiền chữa bệnh cho bà. Nhưng số tiền này cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu điều trị căn bệnh ung thư gan quái ác… Anh Nguyễn Văn Duẩn ở Viên Sơn, Sơn Tây rầu rĩ bảo, cứ nghĩ đến khoản tiền chi phí cho hai cha con mỗi lần đưa cha tôi ra đây để truyền hóa chất điều trị ung thư phổi mà đau hết cả đầu.

“Thảm họa” nợ nần do chi trả y tế - 1

Bệnh tật - thảm họa của người nghèo

Hoàn cảnh của hai trường hợp trên không phải hiếm trong các BV hiện nay. GS.TS Phạm Mạnh Hùng- Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, với cơ chế tài chính hiện tại chi trả dịch vụ y tế từ tiền túi của BN vẫn chiếm đến 49%. Đây là nguyên nhân khiến người dân bị rơi vào "bẫy nghèo” sau một trận ốm nặng, kéo dài. Một số chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng bệnh tật, ốm đau thực sự trở thành gánh nặng kinh tế trong cuộc sống, nhất là với người nghèo nên họ ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao. Phần lớn họ chỉ dám sử dụng các dịch vụ y tế tuyến cơ sở. Điều tra trước đó cũng cho thấy số người nghèo sử dụng dịch vụ nội trú tại BV tuyến tỉnh là 23%, trong khi người giàu là 51%.

Tặng người nghèo thẻ bảo hiểm y tế

Tiếp tục chăm lo, động viên tinh thần cho người nghèo an tâm trong dịp đầu năm mới, ngày 17-1 Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM phối hợp với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức lễ trao tặng 300 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc diện cận nghèo huyện Bình Chánh. 300 thẻ cũng đã được trao cho các hộ ở huyện Củ Chi trước đó. Cùng với 2 đợt trao tặng nữa trong thời gian tới, chương trình hỗ trợ rất thiết thực cho 1.200 gia đình thuộc diện cận nghèo, tổng giá trị của số thẻ BHYT này là 340 triệu đồng.

Tại các BV lớn ở Trung ương, chỉ có 3,9% người nghèo sử dụng các dịch vụ y tế. Không chỉ tiếp cận dịch vụ y tế ở mức thấp mà gánh nặng chi phí y tế dồn lên vai người nghèo nặng nề nhất trong các nhóm dân cư. Có gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh và 67% phải vay mượn tiền để chi trả điều trị nội trú. PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế thông báo, hiện tỉ lệ sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm người nghèo thấp hơn nhóm người giàu từ 2,5 - 4,5 lần. Trong khi đó, chỉ cần một lần ốm đau, điều trị nội khoa ở tuyến Trung ương sẽ có thể đẩy gia đình cận nghèo thành nghèo, người nghèo thành khánh kiệt. Một trong những lý do là vì người Việt Nam vẫn phải tự chi trả 50% chi phí y tế, trong khi nhiều nước trong khu vực chỉ khoảng 30-40%.

Làm gì để tránh sa "bẫy nghèo” vì viện phí?

GS Dương Việt Dũng, ĐH Y Hà Nội cho rằng cần tăng cường độ bao phủ BHYT cho người dân nhằm giảm tình trạng tự chi trả từ tiền túi của bệnh nhân. Tuy nhiên, các cơ quan BHXH có trách nhiệm xây dựng và quản lý quỹ lại lựa chọn những nơi khám chữa bệnh chi phí thấp nhất cho bệnh nhân. Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội Kinh tế y tế đề nghị, nên có cơ chế tách bạch để người dân không bị phân biệt đối xử ngay trong môi trường BV. Tự chủ tài chính trong BV cần minh bạch, tránh nhập nhèm công – tư và khuyến khích xã hội hóa y tế nhưng phải "ngoài khuôn viên” của BV công. Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, để tránh sa "bẫy nghèo”, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp: Xây dựng chính sách phù hợp về cơ chế tài chính y tế; Tăng độ bao phủ của BHYT; Tăng quyền lợi của gói chi trả dành cho bệnh nhân BHYT. Tới đây Bộ sẽ rà soát lại danh mục thuốc BHYT để cân đối quỹ và quyền lợi của người bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Loan (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN