Tăng viện phí: Đừng để lòng tham lấn y đức

Nhân dân luôn trông chờ một cơ chế giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt, minh bạch đối với ngành y tế để dân được cậy nhờ cái tâm y - đức.

Liên bộ Bộ Y tế - Tài chính đã cho phép các bệnh viện thực hiện khung viện phí mới từ 15/4/2012. Và đợt 1/8 mới đây, nhiều bệnh viện đã đồng loạt chính thức áp dụng khung viện phí mới này.

Người dân, đặc biệt là dân nghèo, lâu nay có cảm giác sợ "ông y tế" vì hàng loạt những hệ luỵ phát sinh khi họ không may phải vào bệnh viện để khám, chữa bệnh.

Đã đành, quy định thì phải chấp hành, nhất là mục đích tăng viện phí để góp phần nâng cao hơn chất lượng khám, chữa bệnh. Song, chỉ vài ngày sau khi nhiều bệnh viện thực hiện tăng viện phí, dư luận đã thêm lo lắng vì nhiều tiêu cực, lạm dụng đã phát sinh.

Lạm khai chỉ để móc túi bảo hiểm?

Trả lời báo giới, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đã chỉ ra hàng loạt biểu hiện minh chứng nhiều nơi coi chủ trương tăng viện phí là cơ hội để... tăng thu bằng nhiều cách.

Tăng viện phí: Đừng để lòng tham lấn y đức - 1

Tăng viện phí, nhưng bao giờ bệnh viện hết cảnh như thế này?

Theo dẫn giải của ông Phúc, các bác sĩ thường không đi găng tay trong quá trình siêu âm, nhưng cơ cấu xây dựng giá dịch vụ siêu âm tại một số bệnh viện lại kê 2 đôi găng/lần siêu âm. Hoặc có nơi xây dựng cứ 2 bệnh nhân là thay 1 đôi găng tay, hoặc mỗi bác sĩ sẽ thay mũ, khẩu trang khoảng 4-5 lần/ngày, nhưng thực tế thì các bác sĩ chỉ đeo 1 khẩu trang, 1 mũ trong suốt buổi sáng…

Ông Phúc cũng cho biết thêm, điều vô lý trong cơ cấu giá khó chấp nhận được. Ví dụ, có bệnh viện trong cơ cấu giá dịch vụ châm cứu laze, mặc dù không cần sử dụng kim nhưng cũng cơ cấu định giá kim tới 3 chiếc kim dài 15-20cm (2.500 đồng/chiếc) và 15 kim ngắn 6-8cm (600 đồng/chiếc), tiền bông cũng hết tới 2.100 đồng/lần châm...

Hay như với kỹ thuật mổ viêm ruột thừa, có nhiều địa phương đề xuất thu 1,2 triệu đồng tiền chỉ khâu, trong khi thực tế chỉ khoảng 400.000 đồng; giá mực cho 1 lần in kết quả siêu âm tim và mạch máu cũng có viện áp dụng quá cao: 14.000 đồng, giấy in 3.000 đồng/tờ A4…. Hoặc một lần siêu âm nội soi cần đến 7 chiếc mũ, 7 khẩu trang và 9 đôi găng tay, cao gấp 7 đến 9 lần so với thực tế….

Đồng thời, trong khung giá trần tăng viện phí mà liên Bộ Y tế - Tài chính cho phép, nhiều bệnh viện đã tăng sát kịch khung, trung bình nhiều viện áp dụng ở ngưỡng tăng 80-90%, thậm chí có bệnh viện tăng tới 98% khung viện phí mới cho phép.

Với một số dẫn chứng nêu trên, mặc dù ông Phúc cảnh báo một số bệnh viện đã khai khống thêm vật tư để móc túi quỹ Bảo hiểm Y tế. Song, suy cho cùng, cái túi đích thực vẫn là từ người dân. Bởi, bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, ngân sách của bảo hiểm y tế là thu từ đóng góp trực tiếp của người dân. Hơn thế, nếu tăng thu mà thực tế chất lượng thăm khám, chữa bệnh không tăng thì thiệt hại rõ ràng tăng gấp bội vẫn đổ đầu người bệnh.

Cần giám sát nghiêm, minh bạch

Dù nhiều bệnh viện đã áp dụng khung viện phí mới, tức là người bệnh đã phải thực tăng chi trả, nhưng chưa có điều gì đảm bảo rằng chất lượng khám, chữa bệnh sẽ đồng thời tăng tương ứng.

Như vậy, cho dù những khai khống của bệnh viện chỉ nhằm móc túi ngành Bảo hiểm Y tế, không thu trực tiếp vào hóa đơn thanh toán của các người bệnh không có bảo hiểm y tế, xét cho cùng vẫn là một hành vi trục lợi kiểu “đục nước béo cò”, phi nhân văn, phản y - đức.

Những bậc thày của ngành Y thường dạy học trò không đặt đồng tiền cao hơn tính mạng người bệnh. Song, giả sử đặt chuyện thu - nộp viện phí trong mối quan hệ cung – cầu, có người bán – người mua theo quy luật thị trường, hẳn là người mua (bệnh nhân) sẽ luôn muốn cái mình nhận được phải xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Còn người bán (bệnh viện) lại luôn có lý lẽ để khẳng định rằng cái giá họ đưa ra là phù hợp, thậm chí đa số bệnh viện khẳng định dịch vụ khám, chữa bệnh chưa tốt vì... viện phí quá thấp.

Người dân mong muốn rằng đi đôi với việc tăng viện phí thì chất lượng khám, chữa bệnh cũng phải tăng lên (so với dịch vụ y tế còn quá nhiều vấn đề như hiện tại), và phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Không thể đặt nặng chuyện bán – mua trong môi trường y đức (mặc dù có không ít dịch vụ y tế chắc chắn phải thực hiện thỏa thuận bán - mua). Vì hệ thống y tế nước nhà được xây dựng, tồn tại và phát triển vẫn trên cơ sở tiền thuế, sự đóng góp của dân; và là tấm gương phản chiếu thể hiện tính ưu việt, nhân văn của xã hội.

Do vậy, trong chính sách về y tế, xin hãy nghĩ đến người nghèo (mà đa số dân ta chưa giàu, hoặc nếu đang có mức sống trung bình thì cũng sẽ trở nên nghèo khó nếu mắc bệnh hiểm nghèo) để ngành y có thể đồng thời trị luôn "bệnh" vì thiếu tiền, vì sợ dịch vụ kém mà ngại khám, chữa bệnh. Mà căn bệnh này càng âm ỉ thì dân ta càng “om” nhiều bệnh, đến lúc không thể đừng nữa, mới đến bệnh viện thì bệnh đã nặng, tốn kém gấp bội phần cho bản thân họ và xã hội. Như thế, cái hại còn lớn hơn ở nguy cơ cho sức khỏe nguồn nhân lực, chủ thể trong mọi hoạt động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Thân (VOV Online)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN