Tăng viện phí, có chống được nạn “phong bì”?
Điều khiến nhiều người quan tâm là với mức giá dịch vụ thay đổi chóng mặt lần này thì nạn “phong bì” có được dẹp bỏ...
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc BV Việt Đức cho biết, việc tăng giá viện phí như hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Với mức khung giá viện phí mới, các bệnh viện sẽ có điều kiện để nâng cấp trang thiếu bị phục vụ người bệnh. “Tăng viện phí không phải để tăng tiền thu nhập cho các bác sỹ, nhân viên làm việc trong bệnh viện. Việc tăng viện phí không chỉ tăng được chất lượng phục vụ cho người bệnh mà còn chống được nạn “phong bì” trong bệnh viện. Khi mọi chi phí đều cao thì hầu bao của người nhà bệnh nhân và bệnh nhân cũng thắt chặt hơn. Họ sẽ dành số tiền ấy để chăm sóc của người bệnh”, bác sỹ Quyết bày tỏ.
Những bệnh nhân tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi (Ảnh: Bảo Lâm)
Còn PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết, lần điều chỉnh mức viện phí này là thiết thực. Nó xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của từng bệnh viện. Tăng viện phí lần này có rất nhiều tác dụng. Về lâu dài, điều chỉnh viện phí sẽ là cơ sở để các bệnh viện tăng cường cơ sở vật chất, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật chuyên sâu, giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế cao. Tăng viện phí chắc chắn sẽ đẩy theo mức trần BHYT lên, mệnh giá cho một đợt điều trị sẽ cao hơn; môi trường chăm sóc bệnh nhân cũng sẽ được cải thiện. Nó cũng góp phần hạn chế nạn “phong bì” gây ảnh hưởng xấu hình ảnh y bác sỹ thời gian qua.
Được biết, khi điều chỉnh viện phí, BHYT sẽ thanh toán đầy đủ các chi phí của dịch vụ nên người bệnh chỉ phải chi trả các khoản theo luật quy định (cùng chi trả 5% hoặc 20% tùy đối tượng) chứ không còn phải thanh toán các khoản thiếu hụt mà bệnh viện bị “lỗ” do bảo hiểm không thanh toán như trước khi điều chỉnh giá. Vì vậy, người có thẻ BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi hơn.
“Mức giá dịch vụ thay đổi lần này cũng sẽ không tác động nhiều đến người bệnh bởi 80% bệnh nhân đến viện điều trị đều có BHYT. Đối với bệnh nhân nghèo đã có Quỹ từ thiện. Còn các bệnh như: ung thư phải chữa trị nhiều ngày bao gồm phẫu thuật, xạ trị, dùng hóa chất... thì được BHYT chi trả ít. Bởi vậy, ngoài tính hiệu quả, bệnh viện cũng sẽ cân nhắc đến hoàn cảnh kinh tế của từng người bệnh để lựa chọn phác đồ điều trị có giá phù hợp mà vẫn hiệu quả” - PGS.TS Trần Văn Thuấn nói.
Khi đề cập đến việc tăng viện phí cao đối với những người dân không có BHYT, trong đó có rất đông người nghèo, người lao động thu nhập thấp, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết: Quốc hội đã ban hành Luật BHYT, trong đó đã quy định lộ trình thực hiện BHYT toàn dân vào năm 2014. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách chăm lo sức khỏe đối với các đối tượng chính sách xã hội như: Cấp thẻ BHYT miễn phí cho người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ dưới 6 tuổi và một số đối tượng chính sách xã hội khác. Đối với người nghèo, khi đi khám chữa bệnh thì được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí theo quy định.
“Để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân cũng như là giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho một số đối tượng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính trình và được Thủ tướng Chính phủ nhất trí nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đối tượng là người cận nghèo từ 50% lên 70% và thực hiện từ năm 2012. Trong đó, dự kiến đề nghị Nhà nước nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho các đối tượng là người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên khoảng 50-60% để khuyến khích các đối tượng này”, ông Nguyễn Nam Liên cho biết thêm.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết: “Người có thẻ BHYT sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí để mua thuốc, vật tư hóa chất... BHYT thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ bảo hiểm không thanh toán. Người bệnh tham gia BHYT sẽ được hưởng và tăng quyền lợi khi khám và điều trị bệnh”.