Tạo “của để dành” bằng gửi trứng đông lạnh

Guồng quay của công việc, cuộc sống hiện đại khiến không ít cô gái không có thời gian nghĩ đến chuyện yêu đương, lập gia đình. Thế nhưng họ vẫn nghĩ đến tương lai là “của để dành” - con cái, mong có chỗ dựa, có người để sẻ chia khi về già.

Thế là, họ tìm đến các bệnh viện để xin gửi trứng, chờ thời điểm thích hợp sẽ sinh con. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ đang mang trong mình những căn bệnh nặng cũng gửi trứng để sau này có thể thực hiện được thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đây là những thủ thuật phức tạp và rất tốn kém.

Nén đau, chịu chi...

Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thu Hương (24 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Sau khi đi du học nước ngoài, chị về nước làm việc cho một công ty 100% vốn Nhật Bản với mức lương rất cao. Nhưng đánh đổi lại, Hương chẳng có thời gian để tìm hiểu, yêu đương nói gì nghĩ đến chuyện lấy chồng. “Đúng là làm cho công ty nước ngoài nhiều tiền, chế độ đãi ngộ tốt thật, nhưng khi đã vào guồng quay của công việc thì có muốn dứt ra cũng không được. Đã từng du học ở Mỹ, tham khảo nhiều tài liệu, tôi thấy rất nhiều phụ nữ hiện đại đi gửi trứng ở ngân hàng lưu trữ trứng. Hiện nay tôi được biết ở bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) có dịch vụ cho gửi trứng”, chị Hương cho biết.

Nghĩ là làm, Hương cố gắng ăn uống, tẩm bổ, nghỉ ngơi, chọn thời điểm cơ thể mình khỏe nhất để đi gửi trứng. Theo người phụ nữ này, chi phí gửi trứng tại ngân hàng lưu trữ ở hai bệnh viện cũng không quá đắt. “Tôi tham khảo ở bệnh viện Từ Dũ thì chi phí cũng chỉ trên dưới 50 triệu đồng. Ngoài ra, mình phải trả tiền khoảng mấy triệu đồng một năm. Tôi dự định sang tuổi 30 mới nghĩ đến chuyện sinh con. Vậy từ giờ đến lúc đó, tôi mất tổng cộng khoảng gần 100 triệu đồng. Điều cốt yếu là dù tôi có 30 hay 40 tuổi, trứng lưu trữ ở trong ngân hàng vẫn ở tuổi 24 của người mẹ”, chị Hương bày tỏ.

Tạo “của để dành” bằng gửi trứng đông lạnh - 1

Đông lạnh trứng trong môi trường nitơ lỏng - 1960C (ảnh News).

Với chị Hương, thời gian đầu đi đăng ký gửi trứng phải chịu đau đớn và mất rất nhiều thời gian. Đó thực sự là một khoảng thời gian khó khăn cho sức khỏe và cả công việc của chị. Chị Hương phải đến bệnh viện rất nhiều lần để thực hiện các xét nghiệm, siêu âm, tiêm thuốc kích trứng và chịu đựng sự đau đớn khi các bác sỹ can thiệp vào cơ thể. Và cuối cùng, với sự quyết tâm của mình, chị cũng đã thực hiện được điều mình mong muốn.

Không được may mắn như chị Hương, trường hợp của chị Nguyễn Thanh M. (Nam Từ Liêm, Hà Nội, 28 tuổi) lại éo le hơn rất nhiều. Mới đây, khi đi xét nghiệm, chị M. phát hiện mình bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, do phát hiện bệnh sớm nên chị được các bác sỹ can thiệp, khống chế tế bào ung thư. “Chồng tôi là con trai duy nhất trong gia đình nên bố mẹ chồng rất gia trưởng. Họ cứ bóng gió rằng vợ chồng tôi phải sinh bằng được con trai. Chúng tôi đã có một con gái 4 tuổi, định tiếp tục sinh trong năm nay thì phát hiện bệnh ung thư. Được một người bạn chỉ dẫn, tôi vào bệnh viện Từ Dũ để gửi trứng. Khi nói chuyện này với bố mẹ chồng, ban đầu họ tỏ ra nghi ngờ. Sau này, tôi phải nhờ một người bạn bác sỹ đến tận nhà làm công tác tư tưởng thì các cụ mới đồng ý”, chị M. kể.

Chị M. nói rằng, việc gửi trứng vào ngân hàng cũng giống như “mua bảo hiểm” cho tương lai. Đặc biệt với chị M., người đang mang trong mình căn bệnh ung thư. Do mắc bệnh nên mọi công tác xét nghiệm trước khi gửi trứng đối với chị được thực hiện rất kỹ càng, nghiêm ngặt. Chị M. thuê một phòng trọ ở TP. HCM để thường xuyên đến bệnh viện theo dõi. “Sau một thời gian, bác sỹ thông báo trứng của tôi đã được lưu trữ thành công chỉ chờ thời điểm thích hợp để cấy tinh trùng thành phôi, sau đó trữ đông. Vợ chồng tôi dự định 3 năm sau sẽ sinh em bé”, chị M. hạnh phúc nói.

Quy trình phức tạp và tốn kém

Trước nhu cầu có thật về việc tích trữ trứng của giới trẻ hiện nay, trao đổi với PV báo ĐS&PL, BS.Nguyễn Huy Bạo - nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam nhu cầu cất giữ trứng của phụ nữ ngày càng cao. Việc chọc hút để lấy trứng rất phức tạp và khó hơn rất nhiều so với lấy tinh trùng. Lấy trứng là một quy trình can thiệp sâu, phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng, phải gây mê... chi phí rất cao. Nhiều phụ nữ đã lựa chọn hình thức hút trứng non, nuôi trứng trưởng thành, tạo phôi để bảo tồn khả năng sinh sản”.

Theo TS.Lê Thị Thu Hà- Phó trưởng khoa Sản A, bệnh viện Từ Dũ, hiện nay nhiều trường hợp có nhu cầu tích trứng cho tương lai và họ tìm đến bác sỹ để được tư vấn nuôi trứng non. Hầu hết họ đều là những phụ nữ có hoàn cảnh tế nhị, mắc bệnh nan y hoặc những bệnh lý trong quá trình điều trị có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Trong thực tế, những người phụ nữ đã trải qua bảo quản trứng lạnh, hoặc đông lạnh trứng, không thể dự đoán được cơ hội sinh con của họ khi trứng được cấy ghép trở lại. Vì thế, kỹ thuật nuôi trứng non, tạo phôi đang được xem là cứu cánh của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trứng có thể “để dành” đến 10 năm

Các chuyên gia y tế đều khẳng định, xu hướng đông lạnh trứng hiện nay khá phổ biến ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc… Thậm chí, trong nước có không ít người có điều kiện đã sang tận nước ngoài để khám và nhận tư vấn từ các bác sỹ chuyên khoa. Được biết, nhờ sự phát triển của khoa học nên thời gian cất giữ  trứng có thể kéo dài đến 10 năm.

TS.Hà cho biết, theo sinh lý, khả năng sinh sản của người phụ nữ giảm dần theo tuổi.  Khả năng sinh sản bắt đầu giảm khi người phụ nữ sau 30 tuổi. Từ tuổi 35 sự suy giảm này biểu hiện rõ rệt và rất ít người có thể có thai sau tuổi 45. Vì vậy, tích trứng là phương pháp hiệu quả giúp chị em duy trì việc sinh con.

“Ở nhiều nước trên thế giới, xu hướng “gửi” trứng tại các bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản khá phổ biến. Tuy nhiên, việc đông lạnh trứng chỉ được tư vấn áp dụng đối với những phụ nữ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bạch cầu và lo ngại rằng phương pháp điều trị phóng xạ sẽ phá hủy trứng của họ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại về mặt đạo đức, pháp lý và nhiều tranh cãi về sự lão hóa trong sinh sản”, TS. Hà nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, sở dĩ có nhu cầu này là do trong thực tế có nhiều cặp vợ chồng gặp không ít khó khăn trong quá trình điều trị vô sinh. Nếu trục trặc do tinh trùng của chồng thì hiện đã có ngân hàng tinh trùng “hỗ trợ vốn”. Còn nếu do trứng của vợ thì việc tìm trứng thay thế rất khó khăn. Đó cũng là lý do vì sao nhiều cô gái chưa lấy chồng cũng đã lường trước những nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.

Được biết, với phương pháp duy trì khả năng sinh sản này, trứng của người phụ nữ được chọn lựa và lấy ra khỏi cơ thể vào thời điểm thích hợp nhất, sau đó lưu lại bằng phương pháp giữ lạnh. Một vài năm sau, khi những phụ nữ này muốn có con trở lại, các bác sỹ có thể sử dụng trứng này tiến hành thụ tinh nhân tạo cho trứng và cấy trở lại cơ thể người mẹ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Chương - Ngân Giang (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN