Tạm rời bỏ thói quen ôm hôn để giúp con trẻ an toàn trong mùa COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Thói quen ôm hôn, cưng nựng trẻ nhỏ và nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lan tràn có thể khiến người lớn vô tình truyền nhiễm bệnh cho con trẻ.

Ôm hôn để bày tỏ tình yêu thương

Chị Lê Thanh Hòa đi mấy giờ ngoài đường, lại gặp mưa nên về nhà đã muộn. Vừa rửa được tay chân và lau qua cái mặt, chưa kịp tắm đã phải ôm điện thoại và máy tính vì có những cuộc hẹn làm việc gấp.

Con trai xa mẹ cả ngày, thấy mẹ về liền từ trên gác chạy xuống ôm lấy mẹ. Mẹ chỉ kịp ôm hôn con một lúc rồi bảo con ra chơi với bà ngoại, xong tiếp tục nhắn tin, làm việc. Một lúc sau con trai lại chạy qua phòng, lại nhào vô định ôm mẹ nữa. Mẹ nhìn con hơi căng thẳng:

- Con ơi, mẹ đang làm việc. Mẹ chưa tắm nữa. Mẹ đi cả ngày ngoài đường người bẩn lắm. Chút nữa xong việc mẹ tắm xong sẽ mẹ ôm con nha.

Con trẻ rất thích được ôm hôn cha mẹ. Ảnh minh họa.

Con trẻ rất thích được ôm hôn cha mẹ. Ảnh minh họa.

Thấy con trai xịu mặt, mẹ lại thấy thương thương:

- Con có chuyện gì hả? Thôi lại đây mẹ ôm cái nào, xong con nhớ thay đồ sạch đi ngủ nhé.

Thế là con xà vào lòng mẹ, ôm mẹ thật chặt rồi nói:

- Mẹ ơi, con không có chuyện gì đâu, tự nhiên con chỉ muốn ôm mẹ thôi, không sợ bẩn đâu. Mẹ thấy con ôm có vui hơn không, con ôm mẹ thế này thấy khỏe rồi. Con yêu mẹ.

- Nói thiệt là mẹ thấy thoải mái hơn hồi nãy nhiều rồi, cảm ơn con trai yêu của mẹ.

- Dạ. Con đi "xây nhà" tiếp cho mẹ đây ((con đang chơi trò xây nhà, dựng nguyên một căn phòng rộng màu tím cho mẹ thiền và làm việc hàng ngày). Con chúc mẹ làm việc tiếp vui vẻ, tối con cho mẹ xem "nhà", rồi mát xa tay cho mẹ nhé.

Nói rồi con trai buông mẹ ra cười tươi vì cái ôm đã đủ thời gian cho các chất oxytocin yêu thương trong cơ thể được sản xuất ra.

Việc ôm hôn, nựng trẻ nhỏ là thói quen hàng ngày được nhiều người rèn giũa để tăng tình cảm yêu thương kết nối giữa trẻ nhỏ và người thân. 

Tuy nhiên, người lớn luôn mang theo những mầm bệnh, do họ đã có đủ sức đề kháng nên không mắc bệnh. Còn trẻ nhỏ chưa đủ sức đề kháng, miễn dịch nên người lớn ôm hôn trẻ sẽ gây mất vệ sinh, dễ bị lây nhiễm bệnh cho trẻ - nhất là trẻ dưới 1 tuổi.

Kỳ dịch trước đã có bé 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc bị lây nhiễm chéo COVID-19, nguyên nhân bé mắc bệnh là do bé bụ bẫm rất đáng yêu nên ai nhìn thấy cũng thích bế nựng, hôn má, hôn miệng... Theo các bác sĩ thì tỷ lệ trẻ em nhiễm COVID-19 tuy thấp hơn so với người lớn, nhưng không có nghĩa là được phép chủ quan trong phòng chống dịch bệnh cho trẻ bởi 80% trẻ nhiễm COVID-19 có nguồn lây là người trong gia đình.

Con trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh. Ảnh minh họa.

Con trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh. Ảnh minh họa.

Giúp trẻ an toàn hơn trong mùa dịch

Hiện nhiều người nghỉ dịch ở nhà, cũng đang mùa trẻ nhỏ nghỉ hè nên ở cùng nhau 24/7. Trẻ em luôn có nhu cầu được cha mẹ quan tâm, muốn vô tư ôm hôn, sà vào lòng cha mẹ để có sự xúc chạm yêu thương mà không cần lý do, sau đó mới chịu thoải mái tự chơi, hay nghịch ngợm một mình.

Theo Bác sĩ Đặng Văn Quế (nguyên bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), ở Việt Nam và nhiều nước khác người lớn gặp nhau ai cũng ra bắt tay, ôm vai mà chả cần rửa tay gì cả. Bia rượu thậm chí đang uống dở cũng đổ bớt sang chén của người khác - là thói quen xấu dễ lây nhiễm bệnh tật. Ở nước ngoài chỉ có người yêu, cha mẹ mới gần gũi ôm hôn, còn là hàng xóm dù biết rõ nhau cũng nói chuyện cách xa nhau ít nhất 1m, nếu cố tình vượt giới hạn thì họ cũng sẽ tự tránh mình.

Với trẻ em, ôm hôn, nựng để tỏ niềm yêu thương, nhưng có thể mang đến những hậu quả khó lường cho con trẻ bởi có rất nhiều người lớn ý thức phòng bệnh chưa tốt. Thói quen ôm hôn, nựng nịu, bế ẵm, bón, mớm... cho con trẻ không lây bệnh này thì cũng mắc bệnh khác (nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19), bởi quá trình chăm sóc, tiếp xúc với con trẻ người lớn rất có thể đưa vi rút bên ngoài lây nhiễm vào cơ thể trẻ.

Người lớn hãy tạm bỏ thói quen ôm hôn để bảo vệ con trẻ mùa dịch. Ảnh minh họa.

Người lớn hãy tạm bỏ thói quen ôm hôn để bảo vệ con trẻ mùa dịch. Ảnh minh họa.

Vì vậy đang mùa dịch bệnh và chuyển mùa các bác sĩ khuyến cáo người lớn tạm bỏ thói quen ôm hôn, cưng nựng, bón mớm trẻ để giảm tác hại cho trẻ nhỏ. Khi chăm sóc trẻ, người lớn cần phải đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, nước sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh sạch vật dụng, đồ dùng, đồ chơi, tay nắm cửa... để hạn chế sự lây nhiễm của COVID-19.

Chuyển mùa hạ sang thu tiết trời vẫn nóng nắng và dễ mắc nhiều bệnh thông thường. Do đó cha mẹ cần chú trọng giữ gìn vệ sinh cho con trẻ, súc miệng hàng ngày bằng nước muối, vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý dạng xịt, không để trẻ quá nóng, ra nhiều mồ hôi... để giúp con trẻ phòng ngừa COVID-19 và tránh các dịch bệnh khác khi chuyển mùa.

Bên cạnh đó cần giúp trẻ tăng sức đề kháng, cung cấp thức ăn đủ năng lượng, bổ sung vitamin, khoáng chất, thực phẩm từ hải sản giàu dinh dưỡng, kẽm, canxi, vitamin… rất tốt cho trẻ. Cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa như: sữa chua, rau xanh, chuối, khoai lang.

Nguồn: [Link nguồn]

Toàn cảnh vắc-xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới

Ngày 11/8, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vắc-xin COVID-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Hà ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN