Sữa TQ có chất gây bệnh tim: Bộ Y tế vào cuộc

Trước thông sữa Trung Quốc có chất gây bệnh tim, ngày 9/7, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục đang rà soát toàn bộ các hãng sữa đã cấp phép vào Việt Nam.

Kết quả cho thấy, Cục chưa cấp giấy đăng ký cho phép 3 nhãn sữa gây bệnh tim lưu hành.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, khẳng định, Cục đã liên hệ với các cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc và Hồng Kông để có thông tin chính thức về 3 sản phẩm sữa: Baby Club của Beingmate, Super của Synutra và Gold của Yili.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi số QCVN 11-1:2012/BYT và Tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế CODEX STAN 72-1981, hàm lượng chất béo chuyển hóa không được vượt quá 3% tổng lượng axit béo trong sản phẩm. Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng khuyến cáo mỗi bữa ăn không nên tiêu thụ quá 0.5 gram chất béo chuyển hóa.

Trước đó, báo South China Morning Post của Hong Kong đưa tin, sữa bột dành cho trẻ em của ba hãng sữa đang bán chạy ở Trung Quốc, Baby Club của Beingmate, Super của Synutra và Gold của Yili, chứa chất béo chuyển hóa (trans-fat) mà các chuyên gia cho rằng có thể gây bệnh tim, nhưng không được thông báo trên bao bì.

Sữa TQ có chất gây bệnh tim: Bộ Y tế vào cuộc - 1

Cục An toàn Thực phẩm chưa cấp giấy đăng ký cho phép 3 nhãn sữa gây bệnh tim

Mỗi 100 gram sữa của ba nhãn hiệu trên chứa 0,4-0,6 gram axít béo chuyển hóa, South China Morning Post thông báo kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm do báo này ủy quyền.

Bao bì của ba loại sữa bột không có thông tin về chất béo chuyển hóa, dù hàm lượng nằm trong giới hạn an toàn của Trung Quốc và quốc tế. Giới chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tránh cho con mình ăn thực phẩm chứa loại axit béo có hại này.

Theo các chuyên gia, nếu chất béo chuyển hóa chiếm phần nhiều trong lượng chất béo được đưa vào cơ thể trẻ thì sẽ ảnh hưởng sự phát triển của não và mắt. Tiêu thụ chất béo trong thời gian dài có thể gây ra các bệnh tim mạch. Chất béo chuyển hóa có trong thực phẩm tự nhiên, hoặc xuất hiện trong quá trình chế biến.

Sau vụ bê bối sữa nhiễm chất melamine khiến 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng năm 2008, nhiều người dân Trung Quốc đang quay lưng với sữa nội để chuyển sang dùng sữa ngoại. Tình trạng người đại lục đổ sang Hong Kong vơ vét sữa ngoại khiến chính quyền đặc khu gần đây phải đặt hạn mức số lon sữa mà mỗi khách hàng được phép mua, nhằm tránh tình trạng khủng hoảng thiếu ở thị trường này.

Codex, Cơ quan Quốc tế đặt ra giới hạn an toàn trong thực phẩm, quy định hàm lượng chất béo chuyển hóa trong sữa bột trẻ em không được vượt quá 3%. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, hàm lượng chất béo chuyển hóa không được vượt quá 0,5 gram cho mỗi bữa ăn. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người lớn không nên tiêu thụ quá 2 gram trans-fat mỗi ngày.

Các chuyên gia khuyến cáo, những sản phẩm sữa có chứa chất gây bệnh tim có thể bán trôi nổi trên thị trường vì thế, các bà mẹ không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN