Sốt xuất huyết đang vào đỉnh dịch, số ca mắc không ngừng gia tăng

Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay đến sớm hơn mọi năm, diễn biến phức tạp, thất thường và đang vào thời điểm đỉnh dịch, số ca mắc vẫn tiếp tục gia tăng.

Để hiểu rõ hơn về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội, phóng viên có buổi trao đổi với TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.

Sốt xuất huyết đang vào đỉnh dịch, số ca mắc không ngừng gia tăng - 1

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.

Xin ông cho biết, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội đến thời điểm hiện tại ?

Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội trong thời gian gần đây diễn biến hết sức phức tạp.

Dịch đến sớm hơn mọi năm khoảng 2 tháng. Số mắc tăng nhanh và cao hơn cùng kỳ năm 2016, bắt đầu từ giữa tháng 5/2017.

Đến hết ngày 20/6, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 2222 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 1 trường hợp tử vong. Bệnh nhân có ở 261/584 xã, phường, thị trấn tại 30 quận, huyện, thị xã.

Số người mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong những tuần gần đây là do thời tiết đang mùa nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

Hơn nữa, tình trạng thiếu nước sạch, đặc biệt là vào mùa hè đã khiến người dân Hà Nội tích trữ nước trong bể, thùng, xô... để sử dụng.

Trước tình hình dịch bệnh như vậy, ngành y tế Hà Nội đã làm gì để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân, thưa ông ?

Ngành y tế Hà Nội tập trung vào giám sát ổ dịch sốt xuất huyết, nhất là các ổ dịch cũ; xử lý ổ dịch mới kịp thời hoặc các khu vực có nguy cơ cao.

Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chú trọng công tác giám sát dịch, đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh, xử lý triệt để, không để dịch lan rộng; tập trung tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, phế liệu loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và có biện pháp diệt bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết. Đồng thời, chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế dự phòng để thông tin về tình hình bệnh nhân.

Sốt xuất huyết đang vào đỉnh dịch, số ca mắc không ngừng gia tăng - 2

Trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện.

Như ông nói, ngành y tế đã có rất nhiều cố gắng trong công tác phòng chống dịch, song số bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng trong thời gian gần đây, vậy nguyên nhân từ đâu, thưa ông ?

Mặc dù ngành y tế đã có rất nhiều cố gắng nhưng dịch bệnh vẫn có xu hướng gia tăng mạnh. Nguyên nhân là công tác điều tra xử lý ổ dịch nhỏ chưa triệt để và chất lượng chiến dịch diệt bọ gậy còn hạn chế.

Nhiều địa phương chưa lập được danh sách hộ gia đình trong khu vực ổ dịch; số hộ gia đình tham gia phun hóa chất chưa đạt tỷ lệ mong muốn là trên 90%.

Chiến dịch diệt bọ gậy ở một số xã, phường còn nặng về hình thức mà chưa làm quyết liệt, triệt để dẫn đến vẫn còn những ổ bọ gậy ngay sau chiến dịch.

 Vậy theo ông, làm thế nào để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả hơn?

 Hiện ngành y tế đang tập trung nguồn nhân lực, phương tiện, máy phun, hóa chất sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch.

Trong giai đoạn này, việc phun hóa chất diệt muỗi là cần thiết. Chính vì vậy, người dân cần phối hợp với ngành y tế để tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi ở mức cao thì công tác phòng chống dịch bệnh mới đạt hiệu quả.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Do vậy, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp xe cũ,... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Trong trường hợp bị sốt cao liên tục nhiều ngày, người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đồng thời báo ngay cho trạm y tế khu vực mình sinh sống, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.

PV: Trân trọng cảm ơn ông !

Dấu hiệu trẻ mắc sốt xuất huyết bị nặng cần cấp cứu

Sốt xuất huyết lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút dengue sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu (ghi) ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN