Rít trên, xì dưới

Sự kiện: Ung thư

Nói đến hút thuốc lá người ta chỉ nghĩ đến việc hại phổi nhưng quên rằng thuốc lá là yếu tố dẫn đến hủy hoại bàng quang.

Được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ bàng quang và tái tạo bằng một ruột non, ông Đ. vừa xuất viện. Đây là một trong số nhiều bệnh nhân bị ung thư bàng quang và được điều trị tại BV này.

Khởi phát âm thầm

Mỗi năm Khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy thực hiện cắt bỏ toàn bộ bàng quang và tái tạo lại cho hàng chục ca. Ung thư bàng quang chiếm tỉ lệ cao và gây tử vong nhiều nhất trong các trường hợp mắc bệnh về đường tiết niệu. Các tác nhân gây bệnh là làm việc trong môi trường khói bụi, độc hại, tiếp xúc hóa chất công nghiệp…, trong đó nguy cơ lớn nhất là do hút thuốc lá. 100% các trường hợp ung thư bị cắt bỏ “túi nước” này liên quan trực tiếp đến hút thuốc lá.

Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, hút thuốc lá gây nguy cơ ung thư bàng quang chiếm khoảng 30% ở nữ giới và 50% các trường hợp ở nam giới. Nghiên cứu cho thấy thời gian hút thuốc càng dài và càng nặng thì nguy cơ bị ung thư càng cao. Hút thuốc từ mức độ trung bình tới nặng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn 2-5 lần so với người không hút. Mối liên quan có khả năng xảy ra cao nhất giữa sử dụng thuốc lá và ung thư bàng quang là sự phơi nhiễm của mô bàng quang với các sản phẩm chuyển hóa gây ung thư từ thuốc lá có trong nước tiểu.

Rít trên, xì dưới - 1

Các bác sĩ BV Bình Dân đang thực hiện ca phẫu thuật bàng quang bị ung thư do tác nhân từ việc hút thuốc lá

Một công bố mới nhất của Hiệp hội Ung thư Mỹ cũng chỉ ra rằng trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất, trong đó hơn 250 chất có hại cho sức khỏe, bao gồm ít nhất 69 chất có khả năng gây ung thư. Các chất hóa học gây ung thư trong thuốc lá tập trung trong nước tiểu và thậm chí làm tổn thương bề mặt của bàng quang, gây ung thư.

Các bác sĩ cho biết ung thư bàng quang là bệnh thường gặp, nam mắc phải nhiều hơn nữ với tỉ lệ nam nữ gần 4/1. Ung thư bàng quang đứng hàng thứ 2 (sau ung thư tiền liệt tuyến) trong các bệnh lý ung thư đường tiết niệu tại các nước phương Tây. Ở Việt Nam, đây cũng là loại ung thư thường gặp. Bệnh thường khởi phát âm thầm và có biểu hiện sớm là đi tiểu ra máu, tuy nhiên có đến 90% bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã trầm trọng.

Vẫn còn đường sống

Theo các chuyên gia y tế, dù là bệnh gây tử vong cao nhưng không phải vô phương cứu chữa vì có thể tái tạo bàng quang bằng ruột. Ở đàn ông, khi bị ung thư “túi nước” này thì phải cắt toàn bộ phần bàng quang và tuyến tiền liệt, tạo hình lại bàng quang mới. Còn ở phụ nữ, phải cắt bỏ bàng quang và tử cung, tạo lại bàng quang thì mới hy vọng cứu sống.

TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân TP HCM, cho biết đến nay BV đã thực hiện phẫu thuật 1.000 trường hợp tạo hình bàng quang bằng ruột - một trong những kỹ thuật tạo hình hàng đầu của niệu khoa. Kỹ thuật này giúp bệnh nhân được tái tạo phần khiếm khuyết cơ thể, trả lại chức năng, chất lượng cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân. Tùy từng trường hợp sẽ có những cách áp dụng phẫu thuật khác nhau.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ân, Khoa Niệu A, BV Bình Dân, có rất nhiều phương pháp tạo hình bàng quang bằng ruột sau khi cắt bàng quang toàn phần như Camey, Studer, Hautmann, Mainz, T pouch. Padua là một trong những phương pháp mà qua nghiên cứu ban đầu cho thấy an toàn, hiệu quả tốt về mặt chức năng của bàng quang mới. Phương pháp Padua cũng có cách xếp ruột đơn giản và bàng quang tân tạo đạt được sau tạo hình rất giống với bàng quang nguyên thủy.

Các bác sĩ cho rằng phẫu thuật cắt bàng quang tận gốc là phương pháp được ưu tiên lựa chọn cho các trường hợp bướu ở bàng quang xâm lấn sâu vào lớp cơ hoặc bướu tái phát nhiều lần có độ ác tính cao. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được tái khám 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Tiếp đó là định kỳ 6 tháng khám một lần để đánh giá bàng quang mới, khả năng cương dương...

Vẫn sinh được con

Theo các bác sĩ, ở phụ nữ sau phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột vẫn có thể có thai và sinh con. Các bệnh nhân nữ trẻ tuổi đã tạo hình bàng quang bằng ruột có thể lấy chồng và có khả năng có thai. Đã ghi nhận 3 trường hợp nữ bệnh nhân tái tạo bàng quang và đã sinh con. Ca thứ nhất được sinh mổ lúc thai 36 tuần. Trường hợp thứ hai sinh tự nhiên lúc thai 32 tuần. Trường hợp thứ 3 sinh con tự nhiên đúng thời gian dự sinh. Cả 3 trường hợp đều mẹ tròn con vuông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thạnh (Người lao động)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN