Từ “đập đá” đến viện tâm thần

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Chàng thanh niên 27 tuổi với khuôn mặt vô hồn, đờ đẫn, đôi mắt sợ hãi luôn lảng tránh mọi ánh nhìn tên Minh người Hà Nội đang nằm tại phòng bệnh số 8 của Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Trước đó ít ai ngờ Minh đã sử dụng ma túy tổng hợp có tên Amphetamil nên phải nhập viện.

Theo người nhà bệnh nhân Minh: “Minh đang là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, được bạn bè rủ rê sử dụng ma túy đá. Lúc nào cũng coi mình là anh hùng, chơi bời rồi bỏ học”.

Đáng chú ý là bệnh nhân Lan Anh, 16 tuổi người Hà Nội sử dụng Amphetamil vài lần sau đó bỏ nhà đi lang thang. Cô bé luôn đòi hỏi quan hệ tình dục với bất kỳ ai cô gặp. Mẹ Lan Anh bần thần kể: “Thấy cháu có biểu hiện bất thường, nói lảm nhảm, xanh xao, gầy rộc… nên gia đình cho cháu nhập viện sức khỏe tâm thần”.

Từ “đập đá” đến viện tâm thần - 1

Bệnh nhân phải nhập viện tâm thần vì thích chơi "đập đá". (Ảnh minh họa)

Trường hợp anh Nguyễn Văn Sơn 47 tuổi, sau một lần lên sàn nhảy và uống rượu có chứa thành phần Amphetamil thì mắc chứng hoang tưởng ảo giác, anh từ bỏ gia đình đi lang thang theo lời xui khiến.

BSCK II. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia cho biết: “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều bệnh nhân hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi có liên quan đến sử dụng ma túy. Ma túy đá có tên Amphetamil và không ít người còn dùng chúng kèm heroin để tăng cảm giác “phê””.

Những bệnh nhân sử dụng ma túy đá dễ dàng nhận ra với dáng vẻ rũ rượi, nói lảm nhảm, suy giảm khả năng nhận thức, kích thích hưng phấn và đặc biệt dễ gây gổ, nổi cáu.

Nói về hậu quả của “đập đá”, BS Dũng khẳng định: “Sử dụng chất này với một liều nhỏ nhưng thường xuyên thì sẽ gây rối loạn thần kinh thực vật với các biểu hiện như ra mồ hôi, tăng huyết áp, đau đầu, nói năng nhiều… Nếu sử dụng với liều cao hơn thì có thể bị ngộ độc, nôn, tai biến mạch máu não.  Nghiêm trọng hơn là thần kinh bị rối loạn hoang tưởng, trầm cảm, có ý tưởng hành vi tự sát. Rõ ràng, đập đá gây nghiện và có sức phá hủy con người rất nhanh”.

Từ “đập đá” đến viện tâm thần - 2

Theo BS Dũng, bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp việc điều trị sẽ rất phức tạp. (Ảnh: Thu Trịnh)

Đối với những bệnh nhân sử dụng ma túy tổng hợp việc điều trị rất khó và phức tạp. Bởi có bệnh nhân đáp ứng điều trị, có bệnh nhân lại không đáp ứng điều trị. Việc điều trị bao gồm cắt cơn nghiện, sau đó điều trị duy trì làm sao cho các tác động sinh học thần kinh độc hại do ma tuý gây ra giảm dần, đồng thời tạo điều kiện cho bệnh nhân nghiện thay đổi lối sống, tạo hướng suy nghĩ tích cực bằng công ăn việc làm và các hoạt động giải trí thích hợp.

BS Dũng khuyến cáo các gia đình nên chú trọng chăm lo đời sống của bản thân và những thành viên trong gia đình. Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện và nói về tác hại của những chất kích thần đối với sức khỏe. BS Dũng nhấn mạnh: “Đừng nên tìm hiểu hay sử dụng bất cứ chất gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ”.

Đập đá” là tên gọi của ma túy tổng hợp xuất hiện ở nước ta từ năm 2006. Theo tổng kết của các cơ quan điều tra, loại ma túy này thường được sử dụng ở các quán bar, vũ trường, sau đó là các nhóm tự mua và sử dụng trong nhà nghỉ. Ngoài tác động mạnh lên hệ thần kinh, làm người chơi "phê" trong vài ngày thì người dùng nó còn nảy sinh ham muốn tình dục.

 * Tên nhân vật đã được thay đổi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN