Rất nhiều người đang mắc căn bệnh tâm thần đặc biệt mà không biết

Sự kiện: Bệnh tâm thần

Có người dù rất gầy nhưng vẫn luôn ám ảnh rằng mình béo nên “dày vò” bằng cách tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, nhịn đói, hoặc tập luyện cường độ cao. Lại có những người luôn nghĩ rằng tay mình không sạch nên đi rửa liên tục, luôn ám ảnh nhà có trộm nên thấp thỏm không ngủ... Các bác sĩ cho biết, đây là triệu chứng một dạng bệnh tâm thần đặc biệt.

Rất nhiều người đang mắc căn bệnh tâm thần đặc biệt mà không biết - 1

Rửa tay, nhổ tóc liên tục là dấu hiệu chỉ điểm của rối loạn ám ảnh cưỡng bức. Ảnh: TL

Những suy nghĩ kỳ quái

Anh N.V.H (30 tuổi, ở Hà Nội) vốn là người thông minh, học hành giỏi giang, làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, cách đây vài năm, người nhà phát hiện một triệu chứng lạ ở anh H. Mỗi lần qua đường tàu hay thấy tàu chạy qua, anh đều dừng lại kiểm tra rất kỹ xem mình có bị tàu đâm rơi mất bộ phận cơ thể nào không. Thậm chí, kiểm tra xong, anh H di chuyển đi rồi quay lại vị trí cũ kiểm tra lần nữa.

“Bệnh nhân luôn nghĩ rằng mình bị tàu hoả đâm nên liên tục kiểm tra toàn bộ thân thể. Chỉ có kiểm tra như thế anh này mới… yên tâm. Hiện tượng này lặp đi lặp lại, gia đình bệnh nhân đưa anh H đi khám. Sau nhiều bài kiểm tra tâm lý, lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức”, ThS.BS Đinh Hữu Uân - Giám đốc Phòng khám chuyên khoa Tâm thần, thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ chia sẻ.

Một trường hợp khác là em N.V.A (9 tuổi, ở Hải Phòng). Em được bố mẹ đưa đến Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khám trong tình trạng luôn lo lắng, buồn rầu và liên tục đưa ra những câu hỏi lặp đi lặp lại.

Trước đó, N.V.A là cậu bé khoẻ mạnh, bình thường… Nhưng gần đây, em tỏ ra sạch sẽ bất thường khi liên tục rửa tay. Tay chưa khô, em đã nghĩ là tay lại bẩn, luôn lo lắng bệnh tật, thậm chí còn lo rằng mình tiếp xúc với virus HIV. Kể cả ở nơi công cộng, lúc nào A cũng để ý nhiều tới một người khác mà em cho rằng bị bệnh HIV/AIDS. Lần nào A cũng hỏi lại bố mẹ, được bố mẹ trấn an nhưng em vẫn không yên tâm. Em cũng bắt đầu kiểm soát nhiều hơn các hành động của mình, thường xuyên hỏi bố mẹ, bởi em ý thức rất rõ là trí óc đang lừa mình, nhưng không làm thế nào để ngừng được việc nghi ngờ, kiểm tra…

Tình trạng này ảnh hưởng lớn tới việc học của A. “Mất tới 15-30 phút để A đọc một trang giấy. Bởi con đọc rất kỹ, chỉ để kiểm tra xem mình có bỏ sót từ nào hay nội dung nào”, bố mẹ A kể lại. Chính vì sự chậm chạp đó, trong khoảng vài tuần, A càng ngày càng không thể hoàn thành được bài tập của mình. Do đó, cậu bé 9 tuổi có gương mặt thông minh rất lo lắng về điểm số ngày càng thấp. Tình trạng này kéo dài buộc bố mẹ A phải đưa em vào viện điều trị.

Ngoài những ám ảnh về việc phải kiểm tra liên tục, rửa tay để không bị bẩn, các bác sĩ ở bệnh viện, phòng khám chuyên khoa tâm thần thường xuyên tiếp nhận các nữ bệnh nhân mắc ám ảnh về… béo, cho dù cơ thể họ rất gầy gò, thậm chí suy dinh dưỡng. “Lúc nào họ nhìn mình trong gương cũng cảm giác mình rất béo. Từ đó, họ tự “dày vò” ép cân bằng cách tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng, nhịn đói hoặc lao vào tập luyện cường độ cao để đề phòng béo lên. Cuối cùng sức khoẻ suy kiệt, phải vào bệnh viện điều trị”, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần chia sẻ.

BS Đinh Văn Uân cho biết, ám ảnh được hiểu là những ý tưởng, hồi ức, cảm xúc, hành vi không phù hợp với thực tế xuất hiện trong ý thức người bệnh một cách cưỡng bức. Người bệnh biết đó là sai, là vô lý, là không cần thiết muốn tự xua đuổi đi mà không được.

Đây là điểm rất quan trọng để phân biệt giữa rối loạn ám ảnh cưỡng bức và tâm thần phân liệt (bởi hai bệnh này khá giống nhau về triệu chứng nhưng khác nhau về bản chất). Người bệnh bị rối loạn ám ảnh (suy nghĩ/hành động) ý thức rõ ràng là điều mình đang suy nghĩ là sai, vô lý nhưng không thể cưỡng lại hành động đó được, bởi chỉ có làm thế họ mới thoải mái, giảm đi sự lo âu, căng thẳng hay không chắc chắn của mình. Còn với người tâm thần phân liệt, thường có hoang tưởng.

Dấu hiệu của chứng bệnh tâm thần đặc biệt này

Theo BS Đinh Văn Uân, rối loạn ám ảnh cưỡng bức là một rối loạn tâm thần đặc biệt, chiếm khoảng 2% dân số. Đây được xếp vào một trong 4 nhóm bệnh tâm thần phổ biến sau ám ảnh sợ, rối loạn tâm thần do nghiện các chất và rối loạn trầm cảm chủ yếu. Tổ chức Y tế thế giới xếp bệnh này vào nhóm 10 bệnh lý gây ra tàn phế nặng nề nhất trên toàn thế giới.

Một điều đáng lưu ý là, bệnh thường xuất hiện ở người trẻ, trẻ nhỏ. Nếu bệnh nhân khởi bệnh dưới 15 tuổi thường không thông báo cho gia đình mà giấu kín vì sợ mọi người, bố mẹ chê cười. Nên đối tượng này thường phải trên 8 năm mới được phát hiện, đưa đi điều trị.

Theo BS Nguyễn Mạnh Hoàn (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), tuổi khởi phát bệnh khoảng 20 tuổi, nam giới có thể khởi phát sớm hơn nữ. Nhìn chung, khởi phát bệnh trước 25 tuổi là trên 60%, sau 35 tuổi là dưới 15%. Sự khởi phát bệnh có thể xảy ra ở lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc biệt, thế giới đã ghi nhận một số trường hợp khởi phát bệnh trước 2 tuổi.

Về mặt triệu chứng, theo BS Đinh Văn Uân, rối loạn ám ảnh cưỡng bức có 2 nhóm chính là: Ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức. Trong đó, với ý nghĩ ám ảnh, những ý nghĩ vô nghĩa cứ lặp lại một cách thường xuyên trong tâm trí người bệnh. Liên tục người bệnh bị các ý nghĩ lo âu quấy rối, chẳng hạn như “Cái bát này vẫn chưa sạch nó cần phải được rửa lại“, “Hình như tôi quên khóa cửa sổ“ và tạo ra sự lo âu cao độ, trong khi trên thực tế thì bát đã rất sạch, cửa sổ khóa chắc chắn rồi.

Các ám ảnh phổ biến nhất có thể kể đến như: Sợ bị bẩn, sợ bị lây nhiễm, đối tượng sợ bị lây nhiễm là phân, nước tiểu, bụi bẩn hoặc vi khuẩn, virus… Ngoài ra, bệnh nhân sợ gây tổn hại tới người khác; sợ mắc sai lầm; sợ hành vi của mình không được chấp nhận; đòi hỏi tính cân đối và sự chính xác cao; nghi ngờ quá mức.

Điều quan trọng theo BS Đinh Văn Uân, theo nghiên cứu, trong não người bị rối loạn ám ảnh cưỡng bức, nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin giảm xuống thấp, làm cho các triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng bức xuất hiện Từ đó, các nhà nghiên cứu tìm hiểu về cách thức điều trị, làm sao để tăng được nồng độ serotonin trong não lên. Bệnh đã có thuốc điều trị, thời gian điều trị tối thiểu là 2 năm, không thể khỏi ngay được, cũng có những trường hợp phải kéo dài thêm.

Các hành vi cưỡng bức phổ biến: Nhổ tóc gây mất tóc; nhai liên tục (vì hai hàm răng luôn có cảm giác ngứa), gây mòn răng, lộ tuỷ răng dẫn đến buốt răng, sâu răng và làm người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp; rửa tay nhiều lần trong ngày vì luôn cho rằng tay mình bị bẩn; lau chùi và giặt giũ; kiểm tra; sắp xếp đồ đạc; sưu tầm và tích trữ; đếm các con số (ví dụ bệnh nhân cứ đếm đi đếm lại…).

Sửng sốt vì tỷ lệ người Việt bị trầm cảm, tâm thần

Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh An ([Tên nguồn])
Bệnh tâm thần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN