Phát hiện muỗi tại Việt Nam nhiễm virus Zika

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam phát hiện 56 cá thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên dương tính với virus Zika.

Phát hiện muỗi tại Việt Nam nhiễm virus Zika - 1

Virus Zika đã có mặt (với tỷ lệ rất thấp) trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, kết quả này là một phần Dự án Hướng tới Loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam (Dự án) với mục tiêu dài hạn là phát triển ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn tự nhiên Wolbachia nhằm hạn chế lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue trong cộng đồng.

Tại Việt Nam, khi bắt đầu ghi nhận ca nhiễm Zika trên người từ tháng 4/2016, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm các cá thể muỗi vằn tự nhiên này để xác định khả năng muỗi có nhiễm virus Zika, Dengue hoặc Chikungunya.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 56 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với Zika (0,24%), 29 cá thể muỗi vằn tự nhiên dương tính với vi-rút Dengue (0,12%) và không có cá thể nào dương tính với virus Chikungunya.

Như vậy virus Zika đã có mặt (với tỷ lệ rất thấp) trong quần thể muỗi vằn tự nhiên ở Nha Trang.

“Việc phát hiện các trường hợp nhiễm Zika trên người ở một số địa phương trong thời gian gần đây cho thấy virus Zika hiện đã lưu hành trong muỗi vằn tự nhiên”, ông Phu cảnh báo.

Đến nay, Việt Nam đã có 9 trường hợp nhiễm Zika trên người được ghi nhận tại Việt Nam gồm 4 người ở TP. Hồ Chí Minh (trong đó có 2 người nước ngoài), 1 người ở Nha Trang, 1 người ở Phú Yên, 1 người ở Bình Thuận, 1 người ở Bình Dương, 1 người nước ngoài đến thăm người thân ở Trà Vinh).

Do vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát muỗi và phòng, tránh muỗi đốt đã được Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh.

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã thả hàng ngàn con muỗi Aedes Aegypti ra đảo Trí Nguyên để… thay thế muỗi tự nhiên.

Quần thể muỗi Aedes Aegypti mang các tác nhân sinh học Wolbachia sẽ được thả ra đảo Trí Nguyên (thuộc P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) để thay thế muỗi tự nhiên có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết.

Theo các nhà khoa học quần thể muỗi Aedes Aegypti mang các tác nhân sinh học Wolbachia khi được thả vào tự nhiên sẽ lây truyền khuẩn Wolbachia cho muỗi tự nhiên. Loại vi khuẩn này khi xâm nhập vào muỗi tự nhiên sẽ gây ra những ức chế sự nhân lên của virus Dengue - virus gây bệnh sốt xuất huyết - đồng thời làm giảm tuổi thọ của muỗi thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Virus zika ở Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN