Nỗi buồn y đức

Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng, nhức nhối liên tiếp xảy ra trong ngành y tế nước nhà đang khiến dư luận cả nước bức xúc.

Ngành y tế vẫn thường lấy những lý do như sai sót chuyên môn, bất khả kháng... để lý giải, biện hộ, thậm chí bao che cho những vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng bệnh nhân. Trong đó, sai sót chuyên môn hay được trưng lên như một tấm “bùa” để làm chìm xuồng những vụ bệnh nhân bị tổn hại sức khỏe hay chết một cách tức tưởi trong các bệnh viện, cơ sở y tế.

Thế nhưng, dù đưa ra bất cứ giải thích, lý do gì, ngành y tế cũng không thể bao biện được cho những vụ việc trắng trợn như “ăn bớt vắc-xin”... và mới đây nhất là “nhân bản” kết quả xét nghiệm. Những vụ việc này cho thấy y đức có thể trở thành một thứ rẻ rúng đến mức nào chứ không chỉ là sự tắc trách, vô cảm, vô trách nhiệm vốn không còn là chuyện hiếm hiện nay trong 2 cơ sở y tế ở ngay TP Hà Nội.

Nỗi buồn y đức - 1

Y sỹ Bùi Thị Phương Hoa, cán bộ Trung tâm Dự phòng Hà Nội - 70 Nguyễn Chí Thanh ăn bớt vắc xin của trẻ

Dẫn ra thực tế sau đây, thoạt đầu có thể tưởng không liên quan gì song ngẫm kỹ lại thấy có mối quan hệ với thực trạng nhiều nhức nhối hiện nay trong ngành y. Đó là việc có cả trăm thí sinh đạt 27 điểm, tức là trung bình 9 điểm (điểm giỏi) mỗi môn, đang đứng trước nguy không đậu vào Trường ĐH Y Hà Nội. Không chỉ Trường ĐH Y Hà Nội mà điểm đậu vào trường y, dược đều thuộc diện cao nhất trong các trường ĐH trên cả nước. Nói cách khác, đầu vào của ngành y là những người xuất sắc bậc nhất cùng thế hệ.

Trong lễ tốt nghiệp ra trường hành nghề, tất cả các sinh viên trường y đều phải tuyên thệ nguyện làm theo Lời thề Đạo đức Y khoa (lời thề Hippocrates) với nội dung như: Người thầy thuốc phải biết hy sinh bản thân, quên mình, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên quyền lợi của mình; hiểu được nỗi đau của người bệnh, đồng cảm với họ, xem họ như người thân của mình; không được làm điều dối trá, gian lận, đi ngược lại quyền và lợi ích của người bệnh... Ngắn gọn và sâu sắc là “thầy thuốc như mẹ hiền”.

Vì sao là những người tài, được đào tạo khắt khe, kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với ngành khác và từng tâm nguyện làm theo lời thề cao đẹp nhưng lại có thể hành xử những việc gây thêm đau đớn cho người bệnh, nhức nhối cho xã hội? Đã đến lúc Bộ Y tế cần nghiêm túc nhìn lại những vụ việc nhức nhối liên tiếp diễn ra trong ngành mình thời gian qua để thẳng thắn đặt vấn đề rằng phải chăng đang có sự xuống cấp về y đức? Bởi lẽ, có dũng cảm đối diện và nhận diện đúng thực tế, dù phũ phàng, ngành y tế mới có thể tự đề ra được phương thuốc, liệu pháp hiệu quả chữa trị căn bệnh trầm kha trong chính cơ thể mình. Đừng để người dân, đặc biệt là người bệnh, buồn lòng và chịu hậu quả thêm nữa từ những tiêu cực sinh ra bởi y đức xuống cấp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHẠM DƯƠNG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN