Những ca cấp cứu "nhạy cảm"

Mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) tiếp nhận hàng ngàn ca cấp cứu từ các địa phương chuyển về. Nhiều ca trong số đó “nhạy cảm” đến mức chính người bị nạn tìm mọi cách giấu diếm bác sĩ về nguyên nhân vụ việc.

Bác sĩ chuyên khoa II Dương Quang Vũ (Khoa Ngoại tiết niệu) cho biết 10 năm qua ông đã… “hàn, gắn” gần 40 của quý cho các quý ông bị vợ, người tình, tình địch dùng dao, kéo, kềm cắt rời.

Cắt của quý người tình ném ra sân

Bác sĩ Vũ chia sẻ: “Những trường hợp bị cắt của quý đều do ghen tuông, nóng giận. Nhiều ông do ngại, mắc cỡ nên khi nhập viện thường không kể sự thật. Phải đến khi lên bàn mổ, được ê kíp bác sĩ hỏi han tận tình thì nạn nhân mới chịu “khai” thật”.

Bác sĩ Vũ nhớ lại cách đây hơn 3 năm, khoa Ngoại tiết niệu phẫu thuật nối lại phần dương vật bị cắt đứt rời cho anh N.Đ.L. (32 tuổi, quê An Giang).

Thủ phạm là cô người tình của anh L., do ghen tuông anh L. quan hệ với người khác nên nổi cơn “Hoạn Thư” dùng dao cắt đứt của quý người tình. Ra tay xong, cô này ném “chiến lợi phẩm” ra sân rồi bung chạy mất dạng, bỏ lại nạn nhân la hét thất thanh. Nghe tiếng kêu, người nhà chạy ra sân lượm phần dương vật vừa bị cắt cho vào túi ni lông ướp đá, rồi tức tốc đưa anh L. đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

May mắn hơn anh L., quý ông N.N.T. (37 tuổi, huyện Bình Chánh - TPHCM) “chỉ” bị vợ cắt đứt 2/3 đường kính dương vật lúc nửa đêm. Nghe tiếng kêu la của anh T., gia đình vội đưa anh đến Chợ Rẫy lúc 2 giờ sáng và được phẫu thuật ngay trong đêm.

Các bác sĩ cho biết với trường hợp này, nạn nhân vẫn có thể “hoạt động” không thua kém gì lúc chưa bị cắt. Trình bày với bác sĩ, anh T. kể anh đi nhậu về đập phá đồ đạc, vợ anh bực nên chờ chồng ngủ là xuống bếp lấy dao cắt “cho chừa cái tật nhậu nhẹt”.

Ngoài ra, mỗi năm khoa Ngoại Tiết niệu cấp cứu vài trường hợp bị đứt của quý, tinh hoàn do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông. Theo bác sĩ Vũ, dương vật bị cắt nếu được ướp lạnh và chuyển đến không quá 6 giờ đồng hồ thì nối được. Nhưng tinh hoàn bị đứt rời thì hầu như vô phương cứu chữa vì mô tinh hoàn chỉ sống được 5 phút sau khi bị đứt.

Như tai nạn khá hy hữu của một bé trai: bị “bay” một tinh hoàn trong lúc chơi xích đu. Mẹ bé trai thấy con khóc la, chạy đến thì thấy máu ra nhiều lại phát hiện một tinh hoàn của cháu dính trên móc xích đu. Gia đình vội vã đưa đi cấp cứu nhưng các bác sĩ đành “bó tay”!

Muôn kiểu phỏng

Đến ngày 15-7, vết phỏng do lửa gas của chị Tô Thị Lam (SN 1974, ngụ Long Thành - Đồng Nai) đã tạm ổn. Chị kể ngày 8-7, chị bật bếp gas nhưng không đánh lửa được. Vội lo cơm nước cho cả gia đình nên chị… đốt tờ báo châm lửa bếp gas. Trong tích tắc, lửa phụt lên tiếng nổ lớn, chị Lam bị phỏng nặng phần bụng, cánh tay và toàn bộ khuôn mặt.

Những ca cấp cứu "nhạy cảm" - 1

Chị Lam dùng báo mồi bếp gas đã bị nổ gây phỏng nặng

Bên hành lang khoa Phỏng, chị V.T.M.L. (25 tuổi, quê Vĩnh Long) đau đớn chịu đựng vết thương bị co rút do axit. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho biết chị L. bị phỏng axit với 20% diện tích, 7% độ sâu. Vết phỏng lan toàn thân, làm biến dạng khuôn mặt, cháy da đầu, lộ cả hộp sọ. Kẻ thủ ác chính là tình địch của chị L. trong mối tình tay ba. Ngày 17-6, chị Linh vừa dắt xe ra khỏi nhà, con gái chị mới ngồi lên yên xe thì tình địch bất ngờ xông đến đổ nguyên ca axit lên đầu hai mẹ con. Con gái chị có nguy cơ bị mù.

Trước đó, đầu tháng 4-2012, khoa Phỏng điều trị cho chị N.T.V. (30 tuổi, quê Vĩnh Long) bị trúng tia lửa điện của đường dây cao thế. Nạn nhân được phẩu thuật, cắt lọc phần hoại tử bàn tay phải. Chị V. kể chị bị điện phóng trúng khi đang cầm một thanh sắt đi chọt đường mương nước gần nhà.

Nhiều người còn bị phỏng do sơ ý để cồn chảy ra ngoài và bén lửa trong lúc giác hơi. Chẳng hạn, anh T.V.T. (SN 1980, ngụ Tân Bình - TPHCM) nhập viện này 10-7 với vết phỏng nặng ở vùng lưng, bụng. Nguyên nhân, người giác hơi sơ ý làm đổ chai cồn, lửa bén nhanh lên người anh T.

Tương tự, cuối tháng 3-2012, ông N.V.V. (74 tuổi) nhập viện trong tình trạng toàn bộ vùng da lưng, ngực trái cùng một phần cánh tay trái bị hoại tử và rụng thành từng mảng lớn. Nguyên nhân do trong lúc dùng cồn đốt ống giác, con gái ông V. vô ý làm đổ cồn vào lưng ba.

Những ca cấp cứu "nhạy cảm" - 2

Anh Nam bị phỏng nặng do cồn gây ra trong lúc ăn lẩu

Ngày 13-3, vợ chồng anh Võ Minh Nam (SN 1985, quê Ninh Bình), chị Trần Thị Hồng Nhung (SN 1985) bị phỏng nặng trong lúc ăn lẩu. Hết cồn, nhân viên quán ăn châm thẳng nước cồn vào bếp lẩu, ngọn lửa bùng phát dữ dội liếm luôn hai vợ chồng, làm anh chị phỏng toàn bộ khuôn mặt, cổ, thân và hai tay.

Trưởng khoa Phỏng - Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Trần Đoàn Đạo, cho biết trong các loại phỏng thì tàn phá da thịt ghê gớm nhất là axit. Nạn nhân bị tạt axit nhẹ thì bị ảnh hưởng về thẩm mỹ, nặng thì bị tàn phế, mù mắt. Họ còn phải chịu gánh nặng tinh thần, sống không bằng chết.

Bồi thường thanh niên bị tông rớt tinh hoàn như thế nào?

Như đã thông tin, ngày 8-7, trên tuyến đường Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân – TPHCM), một xe buýt kéo lê anh T.P.Y. (25 tuổi), khiến nạn nhân bị rớt cả hai tinh hoàn. Theo bác sĩ, mặc dù không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng khả năng sinh sản của anh Y. mất hoàn toàn.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM), nếu tài xế xe buýt phạm lỗi hoàn toàn thì ngoài việc bị xử phạt hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 Bộ luật Hình sự), đơn vị chủ quản xe có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sức khỏe cho nạn nhân theo Điều 609 Bộ luật Dân sự.

Cụ thể:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của nạn nhân;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của nạn nhân; nếu thu nhập thực tế của nạn nhân không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị.

Ngoài ra, đơn vị chủ quản còn phải bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân với mức bồi thường do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Dũng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN