Khó tin bác sĩ vừa cấp cứu vừa bị nghe chửi

Làm bác sĩ ở Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội không những ít được nhận "phong bì" mà còn thường bị nghe bệnh nhân chửi. Vì thế mà việc tuyển bác sĩ vào làm tại đây là rất khó!

Vừa cấp cứu vừa nghe chửi

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, làm bác sĩ ở trung tâm cấp cứu 115 thiệt thòi hơn ở các bệnh viện khác rất nhiều. Bác sĩ ở bệnh viện còn có phòng, có khoa, có ekip, máy móc hỗ trợ, còn bác sĩ cấp cứu ngoại viện thì phải tự thân vận động. Chuyện bị chửi, bị người nhà bệnh nhân dọa đánh với các bác sĩ theo xe của đường dây nóng 115 là rất bình thường!

Khó tin bác sĩ vừa cấp cứu vừa bị nghe chửi - 1

Đội xe của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội trong tư thế sẵn sàng lên đường. Ảnh: TP

Bác sĩ Chánh kể: "Chuyện đi cấp cứu bị người nhà bệnh nhân la ó, mắng chửi là chuyện bình thường. Tâm lý của người nhà bệnh nhân là gọi phải có xe cấp cứu đến ngay. Nhiều bệnh nhân sốt ruột nên khi chúng tôi đến thì la ó, gọi hàng tiếng, nửa tiếng đồng hồ bây giờ mới vác mặt đến. Trong khi trên thực tế chỉ mươi mười lăm phút kể từ lúc gọi là chúng tôi đã có mặt.

Hay khi đi cấp cứu tai nạn giao thông bị gãy xương đùi chẳng hạn. Nguyên tắc là chúng tôi phải đo huyết áp, tiêm thuốc giảm đau, chống sốc, rồi mới nẹp cố định và đưa lên xe chuyển đến bệnh viện. Người nhà bệnh nhân không hiểu sự cần thiết của việc cấp cứu trước bệnh viện nên cứ la ó là bác sĩ làm khó dễ, bảo bác sĩ vô cảm, đến cứu chữa mà chần chà chần chừ.

Người nhà bệnh nhân chửi nhiều khi cũng khó chịu lắm nhưng không đôi co với họ được, đôi co thì ảnh hưởng đến bệnh nhân, phải để ngoài tai để tiếp cận bệnh nhân trước".

Gần 30 năm trực cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Trí Đức, đội trưởng Đội cấp cứu số 2 cho biết, nghe chửi quen rồi nên các bác sĩ trực cấp cứu cũng hiểu và thông cảm cho người nhà bệnh nhân.

Bác sĩ Đức kể: "Đi cấp cứu bị chửi là chuyện bình thường. Đặc biệt là những ca cấp cứu cho người bệnh già, khi xe cứu thương đến nơi thì không kịp nữa. Người nhà bệnh nhân cũng hiểu là già rồi thì phải chết nhưng quá đau xót nên họ vẫn cứ chửi rủa bác sĩ đến chậm, thậm chí còn có trường hợp xông vào định đánh bác sĩ.

Trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông có hai bệnh nhân một lúc cũng rất dễ bị nghe chửi. Nguyên tắc cấp cứu trong trường hợp này là phải lướt cả hai nạn nhân, xem ai nặng hơn thì cấp cứu trước. Khi đang khám cho người này, người nhà bệnh nhân kia thấy chưa được khám thì loạn lên chửi rủa".

"Chuyện bị nghe chửi chỉ xảy ra với tôi lúc còn trẻ, bây giờ già rồi thì rất hiếm. Làm nghề nào thì chấp nhận nghề đó, xong rồi quên luôn cũng chả để bụng làm gì. Các bác sĩ cấp cứu cũng hiểu và thông cảm với tâm lý người nhà bệnh nhân", bác sĩ Đức nói thêm.

Về chuyện các bác sĩ bị phê phán là "có phong bì mới làm việc tử tế", bác sĩ Đức bày tỏ cho rằng "ở đâu cũng có người nọ người kia" nhưng ở 115, bác sĩ cấp cứu nhận cảm ơn chủ yếu bằng lời nói chứ rất ít khi có phong bì.

"Trong lúc nguy kịch giữa cái sống và cái chết ai còn thời gian mà vòi vĩnh, người nhà bệnh nhân cũng chả có tâm trí mà chuẩn bị phong bì. Thường thì sau khi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, người nhà bệnh nhân cũng có cảm ơn, nhưng chủ yếu là bằng lời nói chứ rất ít khi có phong bì", bác sĩ Đức nói.

Khó tin bác sĩ vừa cấp cứu vừa bị nghe chửi - 2

BS Nguyễn Trí Đức: "Đi cấp cứu bị chửi là chuyện bình thường

"Người ta cứ bảo là làm bác sĩ thu nhập ngoài từ phong bì là chính chứ lương không đáng kể. Chúng tôi ở 115 lương theo hệ số đúng là chỉ đủ nuôi thân chứ không nuôi được gia đình, phải dựa vào nguồn thu nhập ngoài. Nhưng thu nhập ngoài không phải là từ phong bì mà là tận dụng thời gian nghỉ để đi làm thêm ở các cơ sở y tế (Lịch trực của bác sĩ cấp cứu tại 115 là cứ trực 24 giờ là được nghỉ 48 giờ - PV)", bác sĩ Đức bày tỏ.

Với đặc thù công việc nhiều áp lực, bác sĩ Chánh cho biết, việc thu hút bác sĩ về trung tâm làm việc là rất khó.

"Với thanh niên trai tráng thì còn dễ chứ với các bác sĩ nữ thì vô cùng vất vả. Có những khi phải khiêng bệnh nhân từ tầng 5 xuống mà không có thang máy, đi hàng km vào các con ngõ hẻm sâu hun hút và xe cứu thương không tới nơi được, rồi nửa đêm nửa hôm gọi là phải đi ngay. Thế nên thu hút bác sĩ về đây khó lắm. Thiếu bác sĩ, chúng tôi phải tuyển y sĩ rồi cho đi đào tạo", bác sĩ Chánh nói.

Người dân còn e ngại

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, người dân còn khá e ngại với dịch vụ cấp cứu 115 nên số lượng sử dụng dịch vụ không nhiều so với nhu cầu thực tế.

"Trung tâm đáp ứng được đến 99,98% các cuộc gọi đến cấp cứu. Tuy nhiên số người sử dụng dịch vụ này chưa nhiều, năm 2011, chỉ có 33.590 lượt chuyển cấp cứu. Trung bình khoảng 80-85 chuyến/ngày. So với nhu cầu thực tế thì con số này khá nhỏ", bác sĩ Chánh nói.

Khó tin bác sĩ vừa cấp cứu vừa bị nghe chửi - 3

BS Chánh cho biết người dân còn khá e ngại với dịch vụ cấp cứu 115

Theo bác sĩ Chánh, có nhiều nguyên nhân khiến người dân còn e ngại với dịch vụ cấp cứu này. Thứ nhất, do một bộ phận người dân chưa rõ về dịch vụ cấp cứu 115. Đặc biệt là ngoại thành và ven đô, như Hà Đông. Trước đây Hà Tây cũ không có dịch vụ này, khi ghép vào Hà Nội mới có kíp trực ở Hà Đông nhưng số người gọi đến yêu cầu rất ít.

Thứ hai do người bệnh sợ mất nhiều tiền khi gọi cả một kíp cấp cứu. "Nhưng thực tế là chúng tôi chỉ thu một phần, một phần là UBTP trợ giá. Cự li thấp nhấp, cấp cứu xong mà để bệnh nhân tại nhà là 80.000đ. Chuyển đi cấp cứu dưới 10km là 120.000đ. Đến 20km mới thu 200.000đ. Nói thật là tiền thu một phần đó thì không đủ tiền xăng. Nhưng người dân không biết nên còn e ngại", bác sĩ Chánh nói.

Ngoài ra, mật độ giao thông đông, thường xuyên tắc đường ở Hà Nội cũng khiến người dân sợ lâu, sợ mất thời gian.

"Có khi gọi cấp cứu 115 rồi lại bắt taxi, xe ôm đến bệnh viện. Tỷ lệ xe về không trong các trường hợp tai nạn giao thông là khá cao. Người dân chưa ý thức được là cấp cứu trước bệnh viện đối với tai nạn giao thông là rất quan trọng. Bệnh nhân mà được cấp cứu sớm thì hạn chế được các biến chứng cũng như tử vong. Đơn cử như trường hợp tai nạn giao thông bị chấn thương đốt sống cổ hoặc gãy xương đùi, nếu suốt ruột mà vận chuyển người tai nạn đi bằng phương tiện khác thì rất dễ gây choáng, gây sốc cho bệnh nhân", bác sĩ Chánh phân tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo La Hoàn (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN