Nhiều kỹ thuật mới trả lại “hình dáng” cũ

Năm 2012, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) áp dụng nhiều kỹ thuật mới để tái tạo, khôi phục cơ quan sinh dục (dương vật, tinh hoàn) cho bệnh nhân. Không chỉ trả lại “hình dáng” cũ, các bác sĩ còn giúp họ giữ gần như nguyên vẹn cảm giác ban đầu.

Trung bình mỗi năm khoa nam học Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận khoảng 15-20 ca chấn thương hoặc mất cơ quan sinh dục nam. Có bệnh nhân bị mất hẳn hoặc bị cắt đứt gần lìa dương vật, có người bị mất toàn bộ da bìu và dương vật, có người vì bệnh ung thư nên cả hai tinh hoàn đều bị cắt bỏ... Nguyên nhân chính của các ca này là do bệnh nhân bị người yêu hoặc vợ ghen tuông “ra tay”. Số ít ca bị chấn thương do tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông

Bìu “voi” nặng 4,5kg

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân - cho biết ngày 11-9 vừa qua bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân nam, 28 tuổi, ở TP.HCM bị bệnh bìu “voi” (do nhiễm giun chỉ, gây tắc mạch hạch bạch huyết). Anh bị bìu “voi” khoảng mười năm, bìu rất to và thòng xuống gần đầu gối (dài khoảng 30cm), từng đến một bệnh viện ở TP.HCM khám và bác sĩ chẩn đoán anh bị tràn dịch tinh mạc. Các bác sĩ đã phẫu thuật cho thoát lưu dịch nhưng sau đó bìu vẫn tiếp tục to lên.

Nhiều kỹ thuật mới trả lại “hình dáng” cũ - 1

Các BS phẫu thuật trả lại hình dáng cũ cho bệnh nhân

Năm 25 tuổi anh lập gia đình. Ngoài chuyện khó khăn trong sinh hoạt tình dục, anh còn gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày và lao động. Sau khi được uống thuốc điều trị đặc hiệu cho nhóm bệnh nhiễm giun chỉ trong 21 ngày, làm các xét nghiệm không còn ấu trùng giun chỉ, ngày 11-9 bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng và kíp mổ đã áp dụng kỹ thuật vi phẫu để bảo tồn toàn bộ cấu trúc của dương vật cũng như các mạch máu, thần kinh, tinh hoàn, không để ảnh hưởng đến chức năng cương và cảm giác của cơ quan này. Khi phẫu thuật phải đưa hai tinh hoàn và dương vật ra ngoài, bóc tách mô cơ phì đại ở bìu nặng 4,5kg ra khỏi cơ quan sinh dục, rồi lấy phần da còn tốt tạo hình lại bìu cho bệnh nhân. Sau năm giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã trả lại “hình dáng” cũ cho bệnh nhân. Mới đây khi đến tái khám, bệnh nhân vui vẻ cho biết đã đi lại thoải mái và quan hệ tình dục bình thường.

Cũng bằng kỹ thuật vi phẫu, ngày 16-9 các bác sĩ khoa nam học đã khâu nối dương vật bị đứt lìa do người yêu cắt cho anh N.T.K. (27 tuổi, ở Tây Ninh, Tuổi Trẻ ngày 18-9). Với kỹ thuật này, các bác sĩ dễ dàng bóc tách hết hệ thống tĩnh mạch của lưng dương vật, thần kinh dương vật và nối lại đoạn dương vật bị đứt lìa bằng loại chỉ đặc biệt. Sau ba giờ phẫu thuật, ca mổ hoàn tất và đoạn dương vật được nối có máu nuôi ngay, giúp tạo tuần lưu mạch máu dương vật, nuôi da dương vật và da quy đầu tốt. Nhờ đó, da dương vật và quy đầu không bị chết và giữ được cảm giác ban đầu.

Đặt tinh hoàn nhân tạo

Trong khi đó với nhiều bệnh nhân bị bệnh lý ung thư tinh hoàn phải cắt bỏ tinh hoàn để điều trị, ngăn chặn ung thư di căn cũng tha thiết có tinh hoàn nhân tạo. Vì vậy, ngày 4-10 bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng phẫu thuật đặt tinh hoàn nhân tạo cho một bệnh nhân 31 tuổi. Các bác sĩ đã sử dụng hai tinh hoàn nhân tạo được làm bằng silicon để đặt vào vị trí tinh hoàn cũ bị cắt bỏ, giúp bệnh nhân gỡ bỏ mặc cảm trong cuộc sống riêng tư vợ chồng.

Theo bác sĩ Dũng, với những bệnh nhân chưa có gia đình hoặc đã có gia đình mà muốn có thêm con, trước khi phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn do ung thư, hóa trị, xạ trị có thể trữ mô tinh hoàn hoặc tinh trùng để sau này muốn có con sẽ thụ tinh trong ống nghiệm.

Để thực hiện phẫu thuật này đòi hỏi bệnh viện phải có trang thiết bị tốt, bệnh nhân và phần dương vật bị cắt đứt được bảo quản đúng (bỏ vào bịch nilông rồi bảo quản bằng đá lạnh) đưa đến bệnh viện cấp cứu trước sáu giờ - kể từ khi bị cắt đứt, trong khi kỹ thuật cũ chỉ khâu ụp đoạn dương vật bị đứt lìa vào chứ không khâu được từng mạch máu như kỹ thuật vi phẫu. Chưa kể sau này bệnh nhân còn có thể bị biến chứng gây hẹp niệu đạo.

Đối với những bệnh nhân bị cắt đứt dương vật đến quá trễ, không còn đoạn dương vật bị cắt bỏ hoặc mô dương vật bị giập nát không thể nối được thì bác sĩ bắt buộc phải cắt bỏ dương vật để cầm máu cho bệnh nhân.

“Thiết kế” dương vật

Ngày 2-10 vừa qua, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng và TS.BS Mai Trọng Tường - trưởng khoa vi phẫu tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - đã phối hợp “thiết kế” dương vật mới cho bệnh nhân L.T.C. (32 tuổi, Kiên Giang, có vợ và một con). Cách đây ba năm, anh C. đã tự cắt dương vật sát tận gốc, vì vậy khi tạo hình dương vật cho anh C. cùng lúc có đến hai êkip bác sĩ phối hợp.

Một êkip bác sĩ phải mổ đôi bìu ra để tìm đường tiểu, tìm gốc dương vật còn lại rất ít rồi chuẩn bị mạch máu (động mạch, tĩnh mạch), thần kinh để ghép dương vật. Êkip còn lại tiến hành vạt da cẳng tay trước một đoạn dài 12cm, kèm theo động mạch và thần kinh cơ bì của cẳng tay và đem cuốn lại tạo hình niệu đạo, tạo hình dương vật ngay trên cánh tay. Tạo hình xong mới cắt cuống mạch máu và đem xuống nối vào động mạch, tĩnh mạch, thần kinh cơ bì của gốc dương vật. Sau đó phải sử dụng da mỏng ở đùi để phủ lại phần da đã vạt ở cẳng tay để phủ kín phần da đã lấy. Đây là bệnh nhân đầu tiên được làm dương vật mới từ da cẳng tay.

Mười ngày sau phẫu thuật, dương vật mới đã “sống” tốt, các vết thương ở cẳng tay, đùi do vạt da tạo hình đã lành tốt. Theo ThS Mai Bá Tiến Dũng, dương vật này lúc đầu chỉ có thể giúp bệnh nhân đi tiểu đứng như trước. Để cương dương, sinh hoạt tình dục, xuất tinh được, khoảng 3-6 tháng sau bệnh nhân sẽ được phẫu thuật đặt một dụng cụ cương nhân tạo (hai thể hang nhân tạo) vào dương vật được tạo hình. Sau khi xuất tinh, bệnh nhân bấm nút công tắc được giấu ở dưới bìu thì dương vật sẽ xẹp lại bình thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ THANH HÀ (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN