Nhật ký COVID-19 ngày 19/8: Bệnh nhân tái dương tính có lây lan không?

Hiện nay có nhiều thông tin về các trường hợp bệnh nhân COVID-19 sau điều trị tái dương tính khiến một số người hoang mang.

LTS: Anh N. (bệnh nhân số 589) là Giám đốc một công ty tại quận Tân Phú (TP. HCM). Ngày 1/8, anh có kết quả dương tính với COVID-19 sau khi trở về từ Đà Nẵng hôm 25/7. Hiện tại, anh N. đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM.

Khi điều trị tại đây, anh đã có những cảm xúc nhắn nhủ với mọi người rằng: "Dương tính với COVID-19 không hẳn là quá tệ, không phải là chấm hết. Khi vượt qua nó, bạn chiến thắng nỗi sợ hãi về nó, cho bạn thời gian bình tâm hơn để nhìn nhận về cuộc sống. Bạn sẽ nghiêm túc và biết phải làm gì nhiều hơn sau này. Và nó cho bạn sự trải nghiệm tuyệt vời mà chắc mua không có mà cũng đừng nên có”.

Chúng tôi xin giới thiệu những chia sẻ của bệnh nhân nhiễm COVID-19 số 589 để khuyến cáo mọi người hãy luôn rửa tay, đeo khẩu trang và tuân thủ đúng các quy định và yêu cầu của cơ quan chính quyền, tuân thủ đúng các quy định về cách ly để tất cả vượt qua được đại dịch.

Ngày 19/8: Bệnh nhân tái dương tính có lây lan không?

Tại Việt Nam cũng có những trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh. Ở những người tái dương tính không có dấu hiệu lâm sàng nào. Bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh, ăn ngủ bình thường.

Theo GS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, về phương pháp xét nghiệm, GS Nguyễn Văn Kính cho biết, bản chất của xét nghiệm hiện nay là làm RT-PCR: Lấy một đoạn mồi để phát hiện đoạn gen Y của virus. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, lên tới 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của virus, không phải phát hiện toàn virus.

Vì vậy, để khẳng định bệnh nhân có tái dương tính hay không thì phải nuôi cấy virus để xem có tái hoạt động hay không. Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì virus không hoạt động. Như vậy, giả thiết đặt ra đây chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại. Những ca tái dương tính đều không lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước đó, khi xảy ra các trường hợp tái dương tính với Virus Sars-CoV-2, có giả thuyết đặt ra là bệnh nhân có thể chuyển thành người lành mang trùng sau khi công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Kính bác bỏ giả thuyết này, vì nếu là trường hợp người lành mang trùng thì virus sẽ phải sống.

Một lần nữa, ông nhắc lại hiện tượng bệnh nhân tái dương tính không phải riêng Việt Nam có mà trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy. Việc này do đáp ứng miễn dịch của từng người, không phải là ca bệnh.

Khi theo dõi dịch tễ trên thế giới như tại Nhật Bản, Trung Quốc... những ca tái dương tính trở lại không lây nhiễm cho bất kỳ trường hợp nào dù họ đã về cộng đồng cách ly. Những người mà những ca này tiếp xúc F1 hoàn toàn âm tính.

Phương pháp xét nghiệm RT-PCR có độ nhạy cao 98% nên việc tầm soát virus để phát hiện bệnh nhân dương tính rất tốt..

Nhưng lại có thể có nguy cơ sai lệch kết quả sau điều trị, dẫn đến việc xác định bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh có thể không chính xác.

Khuyến cáo về khỏi bệnh COVID-19 như sau: Bệnh nhân khỏi bệnh dựa vào tình trạng lâm sàng hết sốt 3 ngày, 2 lần xét nghiệm cách nhau 24 giờ âm tính.

Nhưng giả sử, áp dụng khuyến cáo khác để xác định bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh với yêu cầu phải 5-6 lần âm tính liên tiếp mỗi ngày thì bệnh nhân có nguy cơ bị mắc kẹt với phương pháp xét nghiệm RT-PCR nếu phát hiện chỉ một lần dương tính với “xác virus” còn trong cơ thể, lại phải tính lại từ đầu chu kỳ 5-6 lần âm tính tiếp theo kể từ lần dương tính gần nhất.

Giải pháp khác là: Để khẳng định bệnh nhân có tái dương tính hay không thì phải nuôi cấy virus để xem có tái hoạt động hay không. Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì virus không hoạt động.

Tôi trích dẫn tài liệu tham khảo để mọi người xung quanh tôi hãy an tâm với người khỏi bệnh COVID-19. Họ lại chính là người có thể cứu bạn bằng nguồn huyết tương có kháng thể COVID-19 nếu chẳng may bạn mắc phải.

Cám ơn tất cả mọi người đã quan tâm và động viên tôi, gửi đồ tiếp tế khi tôi chuyển qua phòng mới. Tinh thần của tôi luôn tốt và lạc quan.

Về tình hình sức khỏe hiện tại của tôi rất tốt, tình trạng lâm sàng tốt, vẫn tập thể dục đều đặn mỗi ngày, vẫn đang mong chờ các kết xét nghiệm hằng ngày tốt hơn, chi tiết các chuyên gia y tế BV Nhiệt đới TP.HCM sẽ thông báo khi cần.

Về tình hình hai bệnh nhân đi chung hành trình là vợ và cháu tôi (BN601, BN602) vẫn khỏe mạnh, tình trạng lâm sàng tốt, vẫn đang đợi các kết quả xét nghiệm và các thông báo mới nhất của các bác sĩ điều trị.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhật ký COVID-19 ngày 18/8: Bạn có biết, giấc ngủ rất quan trọng với người nhiễm COVID-19?

Mình quan sát ở khu cách ly nơi điều trị các bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân vẫn chưa chú trọng giấc ngủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Nhật ký bệnh nhân COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN