Nguy cơ lây truyền virus cúm A/H5N1 sang người

Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ lây truyền virus cúm A/H5N1 đang có nhiều tiềm ẩn.

Theo dự báo của Bộ Y tế, virus cúm A/H5N1 đang có nhiều tiềm ẩn nguy cơ lây truyền, đặc biệt bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người với tỷ lệ tử vong rất cao.

Tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phòng chống cúm A (H5N1) do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, nguy cơ lây truyền virus cúm A/H5N1 đang có nhiều tiềm ẩn.

Giải thích nhận định trên, ông Phu cho rằng, khi đi kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương, Cục vẫn ghi nhận các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm (nhất là vào mùa đông sắp tới).

Nguy cơ lây truyền virus cúm A/H5N1 sang người - 1

Cúm gia cầm có thể lây sang người

Theo ông Phu, một số địa phương vẫn chủ quan trong phòng chống dịch, thậm chí có địa phương chỉ thông báo dịch cúm gia cầm sau khi phát hiện ca bệnh ở người; ý thức phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh trong giết mổ gia cầm cũng còn hạn chế; việc mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, gia cầm bệnh vẫn xảy ra…

Theo Tổ chức Y tế thế giới,  từ năm 2003 đến nay, đã ghi nhận 665 trường hợp mắc bệnh tại 15 quốc gia, trong đó có 392 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 59%. Việt Nam nằm trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, là khu vực chịu ảnh hưởng nguy cơ cao từ bệnh cúm A (H5N1).

Chia sẻ về nguy cơ có thể xảy ra dịch cúm A/H5N1, bà Olanas- Cố vấn kinh tế, Ngân hàng thế giới cho biết, hiện đang có nhiều “khoảng trống” về năng lực của nhiều nước, nhất là kiến thức, hiểu biết giữa thú y và y tế. Đây sẽ là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh xuất hiện và bùng phát.  Vì vậy, cần có thái độ ứng phó dịch cúm gia cầm.

"Nếu không có hiểu biết về cách phòng chống virus cúm lây sang người, không có cơ quan giám sát việc lưu hành dịch bệnh trên gia cầm thì dịch cúm gia cầm có thể coi là cuộc đại chiến tranh toàn cầu và sẽ trở thành gánh nặng của mỗi quốc gia", bà Olanas nhấn mạnh.

Thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm A/H5N1 xâm nhập vào Việt Nam từ năm 2003, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp vào năm 2005, với 61 trường hợp mắc. Đến nay, số mắc đã giảm, khoảng 4-5 trường hợp/năm nhưng nguy cơ tử vong rất cao.

Hiện, cúm A (H5N1) vẫn đang được giám sát chặt chẽ về sự biến đổi của vi rút, bệnh nhân và các ổ dịch trên gia cầm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN