Người mắc bệnh thận nên và không nên ăn gì trong mâm cơm ngày Tết

Những thực phẩm phổ biến ngày Tết như: chân giò hun khói, giò chả, lạp xưởng, khô bò, tôm khô, xúc xích, dăm bông… thì người mắc bệnh thận tuyệt đối không nên ăn.

Ngày Tết, giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi bị đảo lộn, thói quen vận động cũng không được duy trì làm cho chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, dẫn đến tình trạng sức khỏe bị giảm sút. Nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, mỡ máu, thừa cân béo phì, cao huyết áp,… đặc biệt là người bị bệnh thận đều cần được duy trì ổn định để tránh bùng phát bệnh trở lại, gây hậu quả đáng tiếc về sức khỏe.

Theo các chuyên gia, ngày Tết có nhiều món ăn phổ biến, nhưng những người mắc bệnh thận cần lưu ý chế độ ăn như sau:

Người mắc bệnh thận nên và không nên ăn gì trong mâm cơm ngày Tết - 1

- Hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối, bột ngọt như giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi...

- Hạn chế thức uống có cồn như rượu, bia. Có thể uống ít rượu vang đỏ vào bữa ăn (dưới 60 ml một ngày), không uống quá 1 lon bia mỗi ngày.

- Uống hạn chế các thức uống có ga.

- Ăn vừa phải các loại thịt cá đề phòng tăng ure máu

- Giảm các loại bánh mứt ngọt nếu có kèm bệnh tiểu đường.

- Bánh chưng, bánh tét có thể ăn 1/2 cái nhỏ dùng cho bữa ăn sáng hoặc thay thế 1 chén cơm vào bữa ăn trưa hoặc chiều.

- Nên có các loại rau tươi như súp lơ, bắp cải, su hào, su su, củ cải đỏ, rau cần, khổ qua...

- Ăn trái cây tươi như dưa hấu, cam, quýt, nho, bưởi, thanh long...

Bên cạnh đó, đối với nhưng thực phẩm hàng ngày, người bệnh cần lưu ý lựa chọn như sau:

Thực phẩm hằng ngày nên chọn

- Chất bột đường: chất bột ít đạm như gạo xay trắng, miến, bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, bún, hủ tíu, phở…

Bệnh nhân suy thận mãn kèm bệnh đái tháo đường, chọn thực phẩm có chỉ số đường thấp, trung bình như khoai sọ, bún, bánh canh, bánh cuốn, khoai lang…

- Chất đạm: nên ăn đa dạng chú ý đạm giá trị sinh học cao (thịt, cá, sữa, trứng). Nếu bệnh nhân kèm rối loạn mỡ máu nên ăn trứng 3 quả/tuần, cách ngày, thịt bò 1-2 lần/tuần, cá biển (cá hồi, trích, cá nục…) 2 lần/tuần. Số lượng đạm tùy theo mức độ, giai đoạn suy thận. Nên chọn các loại sữa giảm đạm.

- Chất béo: chọn dầu thực vật (dầu mè, nành, oliu…), mỡ cá.

- Giai đoạn bệnh thận mãn nhẹ (độ lọc cầu thận GFR ≥ 60 ) có thể ăn đa dạng rau, trái cây có màu xanh, màu đỏ, màu vàng, tím… Bệnh nhân có kèm theo bệnh đái tháo đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp, trung bình như táo tây, cam, quýt, bưởi… với số lượng tùy mức kali máu.

- Gia vị nên chọn thực phẩm ít muối, nên đọc nhãn thực phẩm trước khi mua.

Người mắc bệnh thận nên và không nên ăn gì trong mâm cơm ngày Tết - 2

Thực phẩm cần hạn chế

Hạn chế thực phẩm nhiều kali (đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn nặng có giảm lượng nước tiểu hay tăng kali/máu) như nho khô, chuối khô, thanh long, trái bơ… Rau lá xanh đậm (rau ngót, rau đay, dền, rau muống…), nấm mèo, các loại đậu.

Bệnh nhân có bệnh đái tháo đường cần hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mì trắng, khoai tây, gạo đỏ huyết rồng, bánh bột ngô nướng, miến, bánh kẹo ngọt…

Hạn chế chất béo có hại, thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa như lòng đỏ trứng, bơ, phômai, mỡ, gan, tim, dầu dừa…

Hạn chế thực phẩm có nhiều phốt pho, tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, nấm đông cô, đậu nành, hạt sen khô, thịt bò…

Hạn chế thực phẩm có nhiều muối natri như mắm, cá khô, tôm khô, hột vịt muối, bánh mì, mì ăn liền, khoai tây chiên…

Không nên uống quá nhiều nước, vì điều này sẽ làm cho cơ thể phù nhiều hơn, huyết áp khó kiểm soát đồng thời nếu ở bệnh thận mãn giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ tiểu nhiều hơn đặc biệt là tiểu đêm gây khó ngủ.

Tác dụng chữa bệnh thần kỳ của loại quả người Việt nào cũng từng ăn

Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra một số polyphenol có trong lựu đỏ, dâu tây, mâm xôi… có thể tương tác với vi khuẩn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo M.H ([Tên nguồn])
Bệnh sỏi thận Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN