Nam giới phải cắt cụt “của quý” vì chủ quan
Theo thống kê mới đây của BV K, có tới 40% trẻ từ 1-6 tuổi bị hẹp bao quy đầu. Đây là một bệnh lý thường gặp và là nguy cơ số một gây ung thư dương vật ở nước ta, thế nhưng đa số các bậc phụ huynh và người bệnh lại chưa ý thức được sự nguy hiểm của tình trạng này.
18 tuổi đã phải cắt cụt dương vật
GS.TS Trần Quán Anh, Chủ tịch Hội Y học giới tính Việt Nam cho biết, mới đây tại phòng khám Nam học Tâm Anh đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bị chít hẹp bao quy đầu rất hy hữu, hiếm gặp. Trường hợp thứ nhất là một nam sinh 18 tuổi, ở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), vào khám trong tình trạng bao quy đầu bị lở loét bên trong, hẹp bao quy đầu lâu ngày.
Kết quả khám, xét nghiệm và sinh thiết cho thấy dương vật của bệnh nhân này đã bị ung thư hóa nên buộc phải chỉ định xử lý tận gốc, nghĩa là cắt cụt toàn bộ dương vật. Do bệnh nhân còn trẻ, chưa lập gia đình nên sắp tới, nếu các kết quả sinh thiết và theo dõi khám cho thấy phần ung thư dương vật chưa xâm lấn, di căn ra các bộ phận khác của cơ thể thì BV sẽ đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân này là “tái tạo” một dương vật hoàn toàn mới.
Trường hợp thứ 2 là cụ ông đã 81 tuổi, phải xử lý mổ chữa bệnh lý do hẹp bao quy đầu gây ra. Bệnh nhân là cụ Nguyễn Th., ở Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội), vào khám trong tình trạng bao quy đầu sưng húp, mưng mủ nên lập tức phải chuyển vào phòng mổ. GS.TS Trần Quán Anh cho biết, đa số các bệnh nhân bị chít hẹp bao quy đầu từ nhỏ, bẩm sinh nhưng nhiều trường hợp không có biểu hiện bệnh hoặc biểu hiện không điển hình. Chẳng hạn với cụ ông 81 tuổi nói trên, dù bị hẹp bao quy đầu bẩm sinh song vẫn có con cái, vẫn sinh hoạt tình dục bình thường, đến lúc tuổi cao thì độ chun giãn của da ở phần quy đầu kém đi nên gây sự cố, phần da quy đầu bị lột nên không trở lại trạng thái ban đầu tạo thành nút thắt nghẽn vùng chỏm quy đầu.
Nhiều nam giới phải cắt cụt "của quý" vì chủ quan
Tương tự, tại BV Da liễu Trung ương, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng hơn 50 ca bị ung thư dương vật vào điều trị, 100% số bệnh nhân này phải cắt bỏ hoàn toàn “của quý”. Theo TS Nguyễn Sỹ Hóa, Phó Giám đốc BV, có nhiều nguyên nhân gây ung thư dương vật, trong đó phần lớn là do chít hẹp bao quy đầu, còn lại là do bệnh sùi mào gà đường sinh dục, bệnh lây qua đường tình dục. Tại BV K Trung ương, thống kê mới đây của BV cho thấy có tới 40% trẻ từ 1- 6 tuổi bị hẹp bao quy đầu. Điều đáng nói là tất cả cha mẹ có con bị hẹp bao quy đầu đến khám khi được hỏi đều không biết về vấn đề này.
Phải điều trị sớm
GS.TS Trần Quán Anh cho biết, hẹp bao quy đầu không trực tiếp gây ung thư, nhưng nó tạo điều kiện viêm mạn tính niêm mạc bao quy đầu và quy đầu. Nếu không được điều trị sớm, tổn thương viêm kéo dài nhiều năm sẽ làm biến dị tế bào niêm mạc, biến hoá dần thành ung thư. Lý do vì khi bị hẹp bao quy đầu, người bệnh đi tiểu rất khó khăn, dễ dẫn tới viêm nhiễm, tích tụ các chất cặn bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu ở nếp da quy đầu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Trên thực tế, 80% bệnh nhân phải cắt bỏ dương vật là do người bệnh đến viện khi bệnh tình đã ở giai đoạn muộn.
Cũng theo GS.TS Trần Quán Anh, trẻ bị hẹp bao quy đầu thường có một số biểu hiện như nước tiểu đọng lại ở bao quy đầu làm cho đầu dương vật phồng lên, một lát sau mới chảy ra hết, bao quy đầu hay bị viêm với triệu chứng sưng đỏ, mọng nước. Khi trưởng thành, hẹp bao quy đầu làm cho đau khi dương vật cương cứng, có khi còn không cương được. Tuy nhiên, do đây là bệnh lý ở vùng rất “nhạy cảm” nên người bị bệnh thường có tâm lý xấu hổ, không muốn đi khám, thậm chí âm thầm chịu đựng chứ không muốn người khác biết tình trạng bệnh của mình.
Một bộ phận khác, khi dương vật, bao quy đầu có dấu hiệu viêm loét thường chỉ nghĩ đơn giản là bệnh hoa liễu thông thường nên chủ quan, không đi khám sớm. Do đó, khi phải vào BV điều trị thì thường bệnh đã tiến triển nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như tắc đường niệu đạo, nhiễm khuẩn tại khối u gây lở loét, đau đớn, nhiễm khuẩn tại vùng hạch di căn gây loét ngoài da hoặc chảy máu, tình trạng xấu buộc phải cắt bỏ “của quý” của mình.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu phát hiện sớm, việc điều trị bệnh lý hẹp bao quy đầu rất đơn giản. Do đó, nếu trẻ có các biểu hiện như đi tiểu buốt, đi tiểu không hết bãi, nước tiểu đọng lại ở bao quy đầu, khi dương vật cương cứng gây đau buốt, không lộn được bao quy đầu… thì cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và xử lý sớm. Với nam giới trưởng thành, nếu được chẩn đoán sớm khi có triệu chứng thì việc phẫu thuật sẽ đạt hiệu quả cao và ít tốn kém.