Mưa lạnh đột ngột cảnh giác với đột quỵ khởi phát

Sự kiện: Đột quỵ

Thời tiết chuyển mưa lạnh đột ngột tạo nguy cơ cao cho bệnh đột quỵ khởi phát. Trong các cách xử trí đột quỵ, tối ưu nhất vẫn là phát hiện sớm các biểu hiện để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế trong khung giờ vàng - tức là từ 3 đến 6 giờ kể từ khi khởi phát bệnh.

1. Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ

Các triệu chứng đột quỵ thường bắt đầu đột ngột, bao gồm các dấu hiệu sau đây:

- Người bệnh khó đi lại: Do mất cân bằng, yếu ớt hoặc chóng mặt.

- Người bệnh khó giao tiếp: Người bệnh có thể không hiểu những gì người khác đang nói hoặc ngược lại - mất khả năng phát âm.

- Người bệnh tê hoặc yếu ở một bên của cơ thể hoặc một bên mặt: Điều này có thể đánh giá bằng cách so sánh vận động giữa cánh tay trái và cánh tay phải khi nâng lên cao. Tê liệt một bên mặt có thể làm cho một bên mặt xệ xuống so với bên còn lại. 

Mưa lạnh đột ngột cảnh giác với đột quỵ khởi phát - 1

Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.

- Người bệnh mất phối hợp ở một bên của cơ thể: Yếu tay chân làm người bị đột quỵ không thể thực hiện một hành động thông thường hàng ngày vẫn làm được, chẳng hạn như cầm giữ thìa hoặc treo đồ lên móc. Trong một số ít trường hợp, một bên cơ thể có thể có các chuyển động bất thường và tự phát.

- Người bệnh rối loạn thị lực: Có thể bao gồm giảm hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.

- Người bệnh đau đầu dữ dội: Nếu đau đầu xuất hiện đột ngột, nặng hoặc có liên quan đến ói mửa hoặc giảm ý thức thì có thể nghĩ tới đột quỵ.

- Người bệnh co giật: Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến nhất của các cơn co giật đột nhiên xuất hiện ở người trên 50 tuổi không có tiền sử co giật trước đó.

2. Triệu chứng đột quỵ kéo dài bao lâu?

Thời gian triệu chứng phụ thuộc vào kích thước và mức độ nghiêm trọng của thương tổn não trong đột quỵ. Các triệu chứng có thể kéo dài chưa đầy 1 giờ nhưng cũng có thể tồn tại suốt đời. Triệu chứng càng kéo dài, càng có nhiều khả năng các di chứng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Vì vậy, tốt nhất nên giải quyết các vấn đề gây ra bởi đột quỵ càng sớm càng tốt.

3. Phải làm gì nếu các triệu chứng đột quỵ biến mất nhanh?

Ngay cả khi các triệu chứng đột quỵ biến mất, việc đưa người bệnh đến bệnh viện để tiến hành các đánh giá vẫn rất cần thiết. Các cơn thiếu máu cục bộ não thoáng qua (TIAs) là một loại đột quỵ gây ra bởi sự thiếu máu tạm thời ở một phần của não. Có thể có một cục máu đông đã nghẽn trong lòng một động mạch não và lưu lượng máu bị chặn, nhưng sau đó tình trạng này biến mất do cục máu đông đã tan hoặc trôi đi. Mặc dù triệu chứng đột quỵ không còn nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát đột quỵ.

4. Những việc cần làm khi nghi ngờ đột quỵ

- Gọi xe cấp cứu:

Nếu bản thân không thực hiện được việc gọi xe cấp cứu, hãy tìm kiếm sự trợ giúp càng sớm càng tốt.

- Không tự dùng aspirin hoặc thuốc khác:

Điều quan trọng hơn cả là đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Khoảng 85% các cơn đột quỵ là do thiếu máu cục bộ. Những đột quỵ dạng này được điều trị hiệu quả bằng các loại thuốc tiêu sợi huyết ngay trong những giờ vàng đầu tiên. Tuy nhiên, 15% đột quỵ là do chảy máu não, trong trường hợp này, aspirin sẽ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Tốt nhất không nên tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào mà không có ý kiến của bác sĩ.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày càng nhiều người trẻ đột quỵ, tử vong

Trước nhập viện 1 tiếng, bệnh nhân H. (36 tuổi, Quảng Ninh) có biểu hiện thất ngôn, liệt hoàn toàn nửa người phải, liệt cơ mặt phải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TS.BS Lê Thanh Hải ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN