Mù lòa vì... “mắt lười”

Sự kiện: Thời sự

Nhược thị hay còn gọi “mắt lười” là bệnh mà nhiều người hay chủ quan bỏ qua, dẫn đến hậu quả mù lòa.

Mù lòa vì... “mắt lười” - 1

Nếu bỏ qua điều trị, các tật khúc xạ dễ khiến trẻ dẫn đến nhược thị nặng.

Lớn mới phát hiện một bên mắt “mù” hẳn

Mới đây, thông tin về MC Vân Hugo bị một bên mắt hoàn toàn mất đi thị lực khiến nhiều người bất ngờ. Đáng nói “nhược thị” vốn không phải là vấn đề mới trong chuyên ngành nhãn khoa song hầu hết người dân không hề biết tới căn bệnh này. Trong một lần đi khám sức khỏe thi bằng lái xe, Hoàng Minh Long (18 tuổi, Minh Khai, Hà Nội) hoảng hốt khi biết bên mắt trái chỉ còn thị lực 1/10, trong khi mắt còn lại thị lực đạt tuyệt đối. Long cho biết, ngày nhỏ cũng có một lần được mẹ cho khám và phát hiện một bên mắt bị viễn thị. Tuy nhiên, vì thấy việc nhìn không hạn chế mấy nên em không dùng kính và cũng “quên” luôn điều đó.

Tại BV Mắt T.Ư, anh Trần Mạnh Tuấn (Hà Đông, Hà Nội) dẫn cô con gái 10 tuổi đến khám mắt vì cô bé than mắt nhìn mờ. Anh Tuấn cho hay, bác sĩ bảo cháu bị nhược thị, giờ có điều trị, khả năng phục hồi cũng khó. “Chỉ tại ngày con bé, mẹ cho đi khám cô bác sĩ có bảo nên cho cháu đeo kính, thế nhưng con bé sợ xấu nhất định không đeo mới ra nông nỗi này”, anh Tuấn nói.

Chia sẻ với Báo Giao thông, BS. Hoàng Cương, BV Mắt T.Ư cho biết, mắt bị nhược thị hay còn gọi là “mắt lười” là hiện tượng sự suy giảm khả năng hoạt động của các cơ quan thị giác, thị lực bị giảm sút mà không thể điều trị bằng cách chỉnh số kính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhược thị mà trong chuyên ngành nhãn khoa, phân định nhược thị thực thể do bệnh tật như: Sẹo mắt hột, tai nạn, sẹo giác võng mạc… gây nên và nhược thị chức năng do tật khúc xạ như viễn, loạn thị… gây nên. Trong đó, nhược thị chức năng thường khó phát hiện ở trẻ nhỏ và dễ bỏ qua điều trị do trẻ không hợp tác.

“Những trường hợp như MC Vân Hugo không phải là hiếm. Tuy nhiên, để dẫn tới nhược thị không thể nhìn thấy nữa là cả một quá trình dài do người bệnh chủ quan bỏ qua bệnh không điều trị”, BS. Cương lý giải.

BS. Cương cũng cho hay, “kỳ lạ” là rất nhiều người đến khi trưởng thành rồi, đi khám mới phát hiện ra một bên mắt bị nhược thị đến mức độ không còn nhìn thấy gì nếu bịt đi bên mắt “khỏe”.

Sau 12 tuổi “bó tay” điều trị nhược thị

Theo chuyên gia nhãn khoa, về nguyên tắc, khi điều trị nhược thị đầu tiên cần xác định nguyên nhân, thời điểm can thiệp càng sớm thì khả năng hồi phục của mắt nhược thị càng nhiều và càng cao. Thông thường người bị nhược thị một bên mắt là do khi còn nhỏ mắc tật khúc xạ hai mắt có sự chênh lệch thị lực. Nếu không can thiệp kịp thời, để lâu dần não sẽ tiếp nhận và xử lý hình ảnh do một bên mắt “khỏe” mang lại, do vậy bên mắt yếu ngày một yếu đi và “dừng hoạt động”.

Chính vì vậy, với các trường hợp bị tật khúc xạ hoặc khúc xạ hai mắt không đều nhau cần phải được điều chỉnh phù hợp bằng kính gọng hoặc kính tiếp xúc. Trong quá trình điều trị, truy nguyên nhân bác sĩ có thể hạn chế sử dụng mắt lành, kích thích và tạo điều kiện cho mắt nhược thị được sử dụng để có thể phát triển thị giác bình thường. Còn với các trường hợp nhược thị thực tế thì có thể can thiệp bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, theo BS. Cương, “thời gian vàng” để điều trị nhược thị là 12 năm đầu đời, càng phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao. Sau 12 tuổi khi các cơ quan đều đã phát triển, người trưởng thành rồi thì việc can thiệp không còn mang lại hiệu quả nữa… Hiện, y học tiên tiến nên lứa tuổi để chữa nhược thị cũng được kéo dài đến năm 16 tuổi nhưng hiệu quả không cao.

“Viễn thị lệch hiện đang là nguyên nhân dẫn đến nhược thị ở trẻ nhiều nhất, rất đáng báo động vì thường hay bị bỏ qua. Do trẻ có điều tiết tố tốt nên thường viễn thị dưới 3 độ, trẻ vẫn nhìn được như bình thường, người lớn thường không để ý bỏ qua. Thời gian kéo dài, trẻ thành nhược thị nặng và việc phát hiện muộn đã đánh mất cơ hội điều trị phục hồi thị lực cho trẻ”, BS. Cương cảnh báo.

Khi trẻ nheo mắt, nhìn nghiêng, nhìn các sự vật ở khoảng cách gần hoặc tiến gần tivi để nhìn, đấy là những biểu hiện của tật khúc xạ ở mắt. Cha mẹ cần phát hiện sớm các biểu hiện trên và đưa con đi khám. Nếu phát hiện tật khúc xạ, bác sĩ sẽ cho trẻ đeo kính, phương tiện rất hữu ích để giúp cho hình ảnh rõ nét trên võng mạc.

Cận thị, viễn thị nặng không bỏ được kính. Nếu bỏ kính, cấp kính sai, hậu quả đều dẫn đến tình trạng nhược thị trầm trọng hơn”.BS. Phạm Minh Châu, BV Mắt T.Ư tư vấn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh (Giao thông vận tải)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN