Lo ngại virus cúm A/H7N9, Việt Nam nâng mức cảnh báo

Sau khi Trung Quốc có thêm 2 người tử vong do nhiễm virus cúm A/H7N9, Bộ Y tế Việt Nam lo ngại virus cúm A/H7N9 nguy cơ xâm nhập Việt Nam.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tính đến 3/9, Trung Quốc ghi nhận 453 trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9 trong đó 175 người tử vong.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, Việt Nam cần nâng mức cảnh báo, phát hiện bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chủng cúm H7N9 có độc lực khá mạnh, gây tử vong cao, tương đương với virus cúm A/H5N1. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 tương tự như bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 với các tổn thương phổi, viêm phổi diễn tiến nhanh chóng, nguy cấp.

Lo ngại virus cúm A/H7N9, Việt Nam nâng mức cảnh báo - 1

Chủng cúm A/ H7N9 có độc lực khá mạnh, gây tử vong cao

TS. Kính nhận định, nguy cơ virus cúm "chết người" vào Việt Nam là rất lớn. Nếu không chú ý giám sát tốt vấn đề buôn bán, vận chuyển gia cầm, kiểm dịch y tế đối tại các sân bay, cửa khẩu thì khả năng lây lan có thể xảy ra.

Các chuyên gia cảnh báo, virus cúm A/H7N9 nguy hiểm hơn nhiều so với virus cúm A/H1N1 (virus đã từng gây đại dịch ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới). Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế Trung Quốc và các nước vẫn chưa xác định được chính xác nguồn lây của cúm A/H7N9.

WHO khuyến cáo, người dân không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm, tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm, thường xuyên rửa tay với xà phòng, luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những người có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do Cúm A/H7N9 để được khám, chẩn đoán kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch cúm gia cầm H7N9 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN