Lao đao vì mực khô kém chất lượng

Cuối tháng 8 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ 1,5 tấn mực khô không rõ xuất xứ.

Tuy nhiên, một số thông tin đưa ra lại “hiểu sai” vấn đề khi cho rằng số mực khô nói trên là “mực giả” khiến người dân miền Trung hoang mang khi sử dụng mặt hàng hấp dẫn này.

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại mực khô được bày bán với mẫu mã nguyên con hoặc xé nhỏ đóng gói. Một số cách nhận biết để mua mực đảm bảo chất lượng là: Trước khi mua mực khô, người dân nên nướng thử. Vì khi đốt, mực khô nguyên con thường quăn lại, cháy sun từ ngoài vào, còn loại mực khô kém chất lượng, mực khô nhập lậu bị thu giữ khi đốt thì cháy gần như thành than và có mùi khét, khi ăn không có vị tanh và vị ngọt của con cá mực tự nhiên.

Lao đao vì mực khô kém chất lượng - 1

Mực kém chất lượng chứ không phải “mực giả”

Sau khi tạm giữ số mực trên, QLTT tỉnh đã tiến hành phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế Quảng Trị) làm thủ tục lấy mẫu mực gửi đi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm (thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế) để có cơ sở xử lý lô hàng này.

Khi tiếp nhận mẫu mực từ Quảng Trị gửi vào, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Thừa Thiên Huế phân tích, kiểm nghiệm và ngày 9/9 đã công bố kết quả bước đầu là các chỉ tiêu đều không đạt chuẩn. “Mẫu mực khô xé nhỏ” có hàm lượng protein thấp hơn so với quy định và có xuất hiện chất xơ là chất không có trong thành phần của con mực. Cụ thể về chỉ tiêu lý hóa, với mẫu thực phẩm thông thường, thành phần hàm lượng protein mức quy định là 60,1%, tuy nhiên kết quả phân tích mực sợi xé nhỏ này chỉ đạt 30,9% (không đạt). Hàm lượng chất xơ, trong khi mức quy định là 0,0% thì kết quả phân tích cho kết quả lên đến 5,6% (không đạt); hàm lượng protein chỉ đạt khoảng 50% so với quy định… và một số chỉ tiêu khác không đạt. Lô hàng trên không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nên không có căn cứ để đánh giá chất xơ cho vào sản phẩm có đảm bảo ATTP theo quy định không. Tuy nhiên, một số thông tin lại “hiểu sai” vấn đề khi cho rằng số mực khô nói trên là “mực giả” khiến người dân hoang mang.

Một lãnh đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Trị cho biết, chưa có ai kết luận là mực giả mà một số tin trên các trang mạng lại cho là “mực giả” là sai hoàn toàn. Đây là mực kém chất lượng chứ không phải là “mực giả”. Loại mực này được khuyến cáo đến người dân là không được sử dụng bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe con người vì mực không đảm bảo chất lượng này chứa nhiều tạp chất, phụ gia… gây hại.

Tiểu thương lo lắng!

Thông tin mực khô kém chất lượng đã khiến nhiều người dân và tiểu thương các chợ ở miền Trung hoang mang, lo lắng. Một tiểu thương kinh doanh mặt hàng mực, cá, tôm khô ở chợ Hàn (Đà Nẵng) cho biết: “Trước đây mỗi ngày chúng tôi bán từ 10-15kg mực khô, thậm chí có người còn đặt hàng đóng gói gửi đi các nơi khác; nhưng từ khi có thông tin “mực giả” xuất hiện thì chúng tôi lâm vào tình trạng ế ẩm. Có ngày chỉ bán được 1-2kg, nhưng chủ yếu là khách quen. Mực chúng tôi làm đảm bảo, chất lượng, buôn bán lâu năm, nhiều người mua một lần thì lần sau quay lại mua tiếp vì ngon; nhưng hiện đã bị “mực giả” làm mất uy tín nên chúng tôi cũng “chết lây”. Thật không công bằng…”.

Cùng cảnh ngộ trên, nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này ở các chợ lớn, đầu mối trên địa bàn miền Trung như: Chợ Đông Ba, Bến Ngự… ở Thừa Thiên Huế, chợ Đông Hà (Quảng Trị), chợ Cồn (Đà Nẵng)… cũng “ngao ngán” vì mực khô ế ẩm, ít người mua. “Sức mua mực khô giảm trông thấy, nhiều người cẩn thận đã chuyển sang mua mực tươi, ướp lạnh đóng gói mang về. Chúng tôi buôn bán mực khô chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà bị mang tiếng thế này. Mong cơ quan chức năng và báo chí lên tiếng để người dân hiểu rõ sự việc”, một tiểu thương ở chợ Cồn cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Hoàng (Gia đình.net)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN