Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng

Sự kiện: Ung thư trực tràng

Ăn nhiều thịt đỏ, đồ ăn nhanh, ít chất xơ, rau xanh và hút thuốc là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư trong đó có ung thư trực tràng – căn bệnh mà ca sĩ Trần Lập đang mắc phải.

Dễ mọc u khi hút thuốc

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, khói thuốc chứa hơn 4.000 chất hóa học độc hại trong đó có hơn 70 chất là tác nhân gây ung thư. Các chất độc trong khói thuốc vào đường máu, len lỏi đi vào nhiều cơ quan của cơ thể, bám vào bề mặt tế bào gây nên viêm nhiễm mãn tính. Các tổ chức bị thương lâu ngày sẽ làm biến đổi tế bào, gây ra các tế bào ác tính. Nghiên cứu cho thấy có khoảng 20-25% các ca ung thư đại trực tràng có liên quan đến thuốc lá (đại tràng còn gọi là ruột già còn trực tràng là phần cuối của ruột già – PV).

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư trực tràng - 1

Một nghiên cứu liên quan giữa thuốc lá và những người mắc ung thư đại trực tràng cho thấy, người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh này lên gấp 2,14 lần so với người chưa hút thuốc bao giờ và 1,47 lần so với người từng hút thuốc. Còn người hút liên tục mỗi ngày 1 bao thuốc lá trong vòng 50 năm hoặc 2 bao trong 25 năm sẽ tăng gấp đôi nguy cơ mắc phải căn bệnh polyp đại trực tràng (tiền ung thư) so với người không bao giờ hút thuốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện K T.Ư, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5, sau ung thư phổi, dạ dày, gan, vú. Tỷ lệ mắc bệnh là 7,5 ca/100.000 dân. Tỷ lệ nam giới mắc ung thư đại trực tràng cao hơn nữ giới. Có lẽ liên quan nhiều đến lối sống trong đó có thói quen hút thuốc. “Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng như ăn nhiều thịt, nhiều mỡ, nhiều thức ăn lên men, mặn (dưa muối, cà muối), thức ăn chế biến sẵn, ít chất xơ… sẽ dần dần làm hỏng ruột, làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng” – TS Hiếu cho biết. Người ăn uống thiếu khoa học cũng dễ mắc các bệnh viêm đường ruột, viêm đại tràng, viêm loét đại tràng… Nếu không điều trị dứt điểm hoặc điều chỉnh chế độ ăn thì cũng có nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng.

Bệnh này cũng liên quan đến yếu tố di truyền, nếu trong nhà đã có người mắc ung thư đường ruột thì bố mẹ, con cái, anh em cũng dễ mắc bệnh này.

Khỏi bệnh nếu phát hiện sớm

TS Hiếu cho biết, đa phần các ca ung thư đại trực tràng sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u và các hạch lân cận. Sau đó, nếu có di căn hạch thì người bệnh sẽ tiếp tục sử dụng hóa chất (hóa trị hoặc xạ trị). Giống như nhiều loại ung thư khác, ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện sớm, cắt bỏ toàn bộ khối u và đoạn ruột bị tổn thương thì khả năng khỏi bệnh rất cao. Còn nếu ở giai đoạn muộn khi khối u di căn sang nhiều bộ phận khác thì việc điều trị sẽ khó khăn, thậm chí nguy cơ tử vong cao. Tỷ lệ khỏi bệnh chung khoảng 40-60%.

Riêng đối với ung thư trực tràng nếu khối u thấp (cách rìa hậu môn dưới 5cm) thì các bác sĩ sẽ cắt cụt trực tràng và hậu môn. Bệnh nhân sẽ phải mang hậu môn nhân tạo. Khoảng 20% bệnh nhân ung thư trực tràng phải cắt bỏ toàn bộ trực tràng và hậu môn.

Theo TS Hiếu, dấu hiệu nhận biết ung thư trực tràng là đi ngoài ra máu, đau bụng, phân lẫn máu, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày. Nếu khối u lớn có thể gây tắc ruột nên bệnh nhân sẽ bị táo bón nhiều ngày, khuôn phân nhỏ. Còn đến khi gầy sút, chán ăn, buồn nôn thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. 

“Để tránh nguy cơ ung thư đại trực tràng, người dân nên hạn chế ăn mỡ, thịt động vật, tăng cường chất xơ và hoa quả, hạn chế ăn muối, các thức ăn lên men (dưa muối, cà muối), cá khô, thịt xông khói, hạn chế lạm dụng rượu, bia, thuốc lá…” – TS Nguyễn Văn Hiếu

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Ung thư trực tràng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN