Nỗi đau của nam sinh gửi tinh trùng trước khi xạ trị ung thư

21 tuổi, là con độc đinh trong một gia đình, Nguyễn Mạnh Hà được chẩn đoán ung thư hạch. Nỗi lo chồng chất nỗi lo trước ngày xạ trị, Hà vội đi gửi tinh trùng.

Cảm giác rụng rời như vừa trôi qua

Chúng tôi gặp Hà khi em và mẹ đến Trung tâm công nghệ Mô phôi, Đại học Y Hà Nội. Gương mặt buồn rầu, Hà không nói nên lời. Em chỉ còn biết nhìn thẳng vào quyển sổ của nhân viên trung tâm lưu tên em. Hà đang là sinh viên năm thứ 2 của một trường đại học. Tương lai của em còn rạng ngời khi em là luôn là sinh viên có kết quả học tập cao, 4 kỳ đều được học bổng.

Mẹ của Hà dù rất buồn nhưng bà vẫn cố cười “ngày mai em đi xa trị, hôm nay cô đưa em đi gửi tinh trùng vì sợ sau khi hóa, xạ trị ảnh hưởng đến tinh trùng. Sau này em muốn có con cũng khó”. Dường như người mẹ cố gượng cười để xua tan cái sự thật khắc nghiệt là căn bệnh ung thư hạch giai đoạn 2 của Hà.

Hà kể: "Khoảng hai tháng nay, em thấy người mệt, hay nóng sốt. Em sờ ở vùng vai có thấy hạch nhỏ. Em tưởng nổi hạch do sốt nên đã mua thuốc về uống nhưng không khỏi. Càng ngày em càng sụt cân"

Gia đình cho rằng Hà ôn thi, thức khuya nên mới thế. Chỉ đến khi đi kiểm tra sức khỏe, chọc sinh thiết từ khối hạch không gây đau ở vai, bác sĩ chẩn đoán em bị ung thư hạch. Lúc đó, mọi thứ trước mặt Hà như sụp đổ hoàn toàn. Em còn rất trẻ, ba mẹ em ở quê vẫn hi vọng ngày em ra trường mang vinh quang về cho gia đình.

Điều mà Hà lo lắng nhất, em là con trai duy nhất. Trên em có hai chị gái nhưng đều lấy chồng xa. Bao đêm, Hà nằm không ngủ nổi. Em muốn giấu gia đình về căn bệnh của mình. Em muốn lặng lẽ ra đi nhưng nghĩ đến ba, mẹ em chỉ khóc. Một tuần sau đấu tranh với chẩn đoán ung thư hạch, ngày Hà lấy hết can đảm gọi điện cho chị gái. Hà chỉ bảo chị “em bị ung thư hạch rồi”. Chị gái của Hà tưởng em nói đùa còn mắng em. Chỉ đến khi cậu không giữ được bình tĩnh, Hà bật khóc thì chị cậu mới tin. 

Lúc ấy, gia đình em mới biết. Ba mẹ em thuê xe ô tô từ Hạ Long, Quảng Ninh ra thẳng Hà Nội gặp con trai. Cầm tờ kết quả khám của con, mẹ Hà không tin vào mắt mình. Còn bố Hà, ông ở trong quân đội nên vững tâm lý. Ông xem kết quả khám bệnh của con rồi khuyên Hà hôm sau vào bệnh viện gặp bác sĩ.

Họ quyết định điều trị, xạ trị trong chớp mắt vì cơ hội cứu sống của bệnh này chỉ có một là hóa chất và xạ trị. Với Hà cảm giác rụng rời khi biết bệnh của mình như vừa trôi qua chỉ vài giây. Cậu như người vô thức, chỉ còn biết đi theo ba mẹ.

Nỗi đau của nam sinh gửi tinh trùng trước khi xạ trị ung thư - 1

Ảnh minh họa

Gửi tinh trùng, hi vọng niềm tin tương lai

Ngay sau khi được bác sĩ tư vấn về việc nên gửi tinh trùng vào trung tâm, gia đình Hà đã quyết định đến ngay vì với họ thời gian bây giờ như vàng. Hà đã được tư vấn và chọc lấy tinh trùng làm xét nghiệm. Rất may, tinh trùng của em khỏe, nhiều nên bác sĩ cho em gửi tinh trùng.

Với số lượng tinh trùng này, các bác sĩ sẽ đưa vào ngân hàng tinh trùng, với mã số, mã vạch đầy đủ. Hà có thể quay lại lấy bất cứ khi nào em muốn sau khi điều trị bệnh xong. Với Hà và gia đình, quyết định gửi lại tinh trùng là một phần hi vọng niềm tin về tương lai không bao giờ dứt.

Tại trung tâm công nghệ mô phôi của trường đại học Y Hà Nội, PGS Ngô Duy Thìn cho biết có nhiều bệnh nhân bị ung thư đến gửi tinh trùng. Các mẫu tinh trùng được đăng ký gửi vào ngân hàng sẽ được lưu trữ tính theo phí khoảng hơn 2 triệu đồng/năm. 

Không chỉ có các bệnh nhân mà ngay cả những người bình thường, người làm nghề nguy hiểm họ cũng vào gửi tinh trùng để lưu giữ giống nòi cho mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN