Hoa chơi tết đều là vị thuốc quý!

Sự kiện: Món ăn bài thuốc

Người Việt Nam đón tết nguyên đán trang trí nhiều cây hoa đẹp. Đáng chú ý: nhiều loại hoa xuân còn là vị thuốc quý.

Hoa đào: tính bình, vị đắng, không độc. Lợi đại tiểu tiện, trục giun sán, tan sỏi thận, thông kinh huyết, hóa đàm, chữa điên loạn. Có sách nói nếu hoa đào để nguyên cuống có tác dụng mát máu, giải độc, chữa lên sởi, lên đậu. Cách dùng sắc uống hoặc tán bột 4 - 8g. Dùng ngoài tán bột rắc lên vết thương hoặc giã đắp. Không dùng cho người có thai.

Chữa thủy thũng: hoa đào lượng vừa đủ, nghiền bột mỗi lần lấy 6g cho vào nước cháo loãng, uống lúc đói. Ngày 3 lần hoặc nấu cháo hoa đào ăn.

Chữa táo bón: bột hoa đào 30g bột mì 100g làm bánh ăn hoặc bột hoa đào 10g, chia 2 lần hòa nước ấm uống lúc đói.

Hoa chơi tết đều là vị thuốc quý! - 1

Hoa đào để nguyên cuống có tác dụng mát máu, giải độc, chữa lên sởi, lên đậu

Đau eo lưng: hoa đào 100g, gạo nếp 500g, hoa đào giã vụn, trộn gạo nếp cho nước nấu thành cơm khô để nguội rồi cho men rượu ủ thành cơm rượu dùng dần.

Bế kinh: hoa đào 25g ngâm vào 250ml rượu trong 1 tuần. Mỗi lần uống 10ml hòa với nước ấm hoặc hoa đào 10g cho vào cơm rượu 50g trộn đều, chưng cách thủy cho nhừ hoa để bớt nóng, ăn cả cơm và hoa. Ngày 1 lần, liền 1 tuần.

Sỏi thận: hoa đào, hổ phách lượng bằng nhau. Nghiền hoa đào trộn đều với hổ phách mỗi lần 6g cho vào 1 tô lớn nước, nấu trong nửa giờ, lọc lấy nước uống. Ngày 2 lần.

Mặt bị phong lở ngứa: hoa đào, nhân hạt bí đao, lượng bằng nhau. Gộp 2 thứ tán bột hòa mật mía, bôi vào chỗ lở ngứa.

Hoa mai trắng: mai trắng được nói nhiều về dược tính của nó từ lâu đời, so với mai vàng. Mai trắng tính mát vị chua chát không độc. Công năng khai vị, tan uất kết, bình can hòa vị, lợi phế khí, hóa đàm, an thần định phách giải đậu độc. Dùng dạng sắc, bột hoặc viên hoàn, đắp dán ngoài.

Chữa mất ngủ: hoa mai trắng 5g, hoa hợp hoan 10g, rượu cúc 50ml, cho 2 hoa vào rượu chưng cách thủy cho nhừ hoa để ấm, uống sau bữa cơm tối 1 giờ.

Chữa chán ăn: hoa mai trắng 6g, hoa đậu ván trắng 15g, quả sơn tra khô 20g, trộn đều 3 thứ rồi chia đều 3 phần để dùng làm 3 lần. Khi dùng lấy 1 phần cho vào ấm rót nước sôi già để cho nguội bớt, rót ra uống.

Chữa viêm họng: hoa mai trắng 6g, hoa dành dành 5g, trà xanh 20g, gộp 3 thứ lại trộn đều chia ra 5 phần để dùng mỗi lần 1 phần cho vào tách nước sôi già cho ngấm rồi uống.

Chữa trúng nắng: nước cất hoa mai trắng, nước cất hoa kim ngân, mỗi thứ 50ml hòa 2 thứ lại, thêm 1 lượng nước 100ml đun sôi để nguội chia 2 lần uống. Mùa hè nắng gắt, trước khi đi ra nắng nên uống nước này phòng trúng nắng.

Phòng chữa lên sởi, lên đậu: hoa mai 100 bông hái vào sáng sớm khi còn đẫm sương của tháng 12 âm lịch. Đem số hoa đó ướp vào đường trắng, mỗi lần ăn 3 - 5 bông. Ngày ăn 3 lần.

Đậu mùa mới phát: hoa mai trắng phơi khô tán bột nhào mật mía viên bằng hạt đậu xanh 1 tuổi uống 1 viên. Thêm mỗi tuổi uống thêm 3 viên. Ngày 3 lần với nước nóng.

Hoa hải đường: tính lương, vị chua đắng, vào 2 kinh tâm - can. Công năng hoạt huyết tán ứ, lương huyết, chỉ huyết, điều kinh chỉ đới, an thần, ích can, lợi đởm. Dùng chữa các trường hợp xuất huyết, thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, băng lâu đới hạ, lỵ.

Phong thấp tý: hải đường 8g, cốt toái bổ 12g, tang ký sinh 16g, nấu nước uống thay trà.

Hoa chơi tết đều là vị thuốc quý! - 2

Hoa hải đường

Kinh nguyệt không đều, băng đới: hải đường 12g, đương quy 8g, nấu nước uống.

Thổ huyết, tức ngực, đoản hơi: hải đường 12g, cát cánh 8g, phổi lợn 200g. Nấu chín uống nước, có thể ăn phổi.

Cường kiện, khỏe lưng, chân: hoa hải đường 10 bông, cá thu đủ ăn 1 - 2 bữa. Nấu hoa với cá bằng lửa to cho sôi rồi hạ lửa, cho 1 thìa rượu, gia vị.

Hoa đỗ quyên: tính ôn, vị chua, vào 2 kinh can tỳ. Có công năng hòa huyết, điều kinh, hóa đờm, giảm ho, chữa phong thấp, chống ngứa. Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh băng lậu, trật đả chấn thương, thổ huyết, chảy máu cam.

Ho, thổ huyết: hoa đỗ quyên 12g sắc uống thay trà.

Mệt mỏi, bồn chồn: hoa đỗ quyên với hoa hồng đều 8g. Hãm uống nóng thay trà.

Phụ nữ khí hư ra nhiều: hoa đỗ quyên 1 bông, móng lợn 2 bộ. Móng lợn rửa thật sạch, bổ đôi, trần nước sôi để ráo. Hoa đỗ quyên bỏ nhị, rửa sạch để ráo. Cho tất cả vào nồi với 4 bát nước. Đun sôi nhỏ lửa trong nửa gờ. Nêm gia vị ăn cái uống nước.

Phụ nữ kinh nguyệt không đều, thân thể khô gầy: hoa đỗ quyên 5 bông, gan lợn 5 lạng, hành củ 1 củ, rượu 1/2 thìa, gia vị vừa đủ, 3 bát nước nấu sôi gan lợn rồi mới cho hoa đỗ quyên vào cùng gia vị.

Điều kinh, trừ phong thấp: hoa đỗ quyên 3 bông tách rời từng cánh, rửa sạch để ráo. Cho vào ấm con khoảng 200ml nước sôi kỹ. Uống thay trà.

Hoa thủy tiên: tính hàn, vị cay đắng vào 3 kinh tâm - phế - can. Hơi có độc! Có công dụng khu phong, tán nhiệt, hoạt huyết điều kinh tiêu thũng, giải độc. Chữa ung thũng nhọt độc, viêm tuyến vú cấp, viêm tuyến mang tai…

Răng, sưng đau, cổ gáy đau: hoa thủy tiên 8g, đường trắng một ít. Sắc uống.

Tiểu tiện không thông, trướng bụng: củ thủy tiên 1 củ rửa sạch bỏ vỏ thô, dùng dao thái nhỏ giã nhuyễn đắp vào lòng bàn tay, bàn chân (huyệt dũng tuyền).

Mụn nhọt đinh độc: củ thủy tiên và hoa giã nhuyễn đắp tại chỗ. Nếu phối hợp rễ cây thuốc, lá phù dung càng tốt.

Bộ phận có độc: toàn cây nhất là phần thân hành (củ) triệu trứng ngộ độc. Nôn mửa, thở nhanh, sốt, co giật cơ. Giải độc nên đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nếu cần sơ cứu thì gây nôn, uống lòng trắng trứng gà…

Hoa cúc vàng: vị đắng, tính bình. Chủ trị các chứng phong, váng đầu, sưng đau mắt, chảy nước mắt sống, da thịt teo cứng, chứng ác phong tê bại, làm lợi huyết mạch, trị các chứng nhọt độc, lở loét ngoài da, làm đẹp da. Thanh can nhiệt, hoa cúc dùng làm thuốc. Lá non có thể làm món ăn sống hay nấu cháo, canh, pha ướp trà, nấu rượu. Hoa cúc cũng dùng tươi nấu canh, khô pha trà.

Chữa chứng nhìn lâu mỏi mờ mắt dùng hoa cúc làm gối: Hoa cúc 2kg phơi khô làm ruột gối đầu. Dùng thời gian 1 - 2 tháng sẽ có hiệu quả.

Công dụng và cách dùng đã có nhiều hướng dẫn trong các sách thuốc xưa và nay. Ngoài cách dùng trong còn dùng hoa, lá được dùng đắp, rửa các bệnh ngoài da như: mụn, nhọt, lở loét.

Hoa hướng dương: bộ phận dùng làm thuốc: hoa, đài hoa, lá, tủy cành, rễ và hạt. Hoa hướng dương tính ôn, vị ngọt, vào hai kinh can, phế, có công năng khư phong, sáng mắt, thông thoáng mao khổng ở da, chữa đau đầu, huyễn vựng, mặt má sưng và đau răng…

Trị ho, đờm suyễn, nhuận phế nhất là chữa ho gà, thông yết hầu, đẹp nhan sắc: dùng hoa hướng dương từ 1 - 2 đóa, thêm đường phèn sắc uống.

Trị đầu choáng mắt hoa, đau đầu khó chịu, mặt má sưng đau, ngực đầy, ngắn hơi...: dùng hoa hướng dương 3 - 5 đồng, sắc uống hoặc chưng thành thang rồi thêm 1-2 quả trứng gà nấu kỹ.

Chữa chứng nổi mề đay, dễ cảm phong hàn, da dẻ quá mẫn cảm, phong chẩn nổi cục: dùng hoa hướng dương 3 đồng, hoa mào gà trắng 2 đồng, lá tử tô 5 đồng sắc uống thay trà có thể thêm đường phèn lượng thích hợp.

Chữa viêm khớp, vô danh ủng thống (phù thũng không rõ nguyên nhân), viêm tuyến vú: dùng hoa hướng dương lượng thích hợp sắc đặc thành dạng cao, đắp vào chỗ đau.

Chữa huyết áp cao: hoa hướng dương 60g, râu ngô 30g, đường đỏ 10g. Hoa hướng dương và râu ngô cho cùng nước sắc lấy 200ml, cho đường vào quấy đều chia làm ba lần uống trong ngày, cần uống ba đợt, mỗi đợt 10 ngày, giữa các đợt cần nghỉ là 5 ngày.

Chữa chứng mờ mắt: đài hoa hướng dương lượng đủ dùng, đập vào 1 quả trứng gà, đổ thêm nước nấu chín nhừ, ăn cái uống nước.

Chữa chứng nhức răng: đài hoa hướng dương 1 cái, rễ câu kỷ 1 nhúm, luộc chung với 1 quả trứng gà, khi trứng chín bóc bỏ vỏ, dùng tăm đâm vào trứng cho ngấm thuốc rồi nấu tiếp 1 lúc thì vớt trứng ăn.

Lương y mách bài thuốc trị bệnh tiêu hóa ngày Tết cực dễ làm

Những ngày Tết ăn nhiều, chơi nhiều cũng là lúc bạn dễ bị chứng đầy bụng, khó tiêu đến làm phiền. Không chỉ làm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Phó Thuần Hương ([Tên nguồn])
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN