HN: Cứu sống bệnh nhân ngừng tim

Bệnh nhân Dương Thị Mai Mai (27 tuổi) bị viêm cơ tim cấp có biến chứng sốc tim vừa được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cứu sống.

Thông tin được PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trong buỗi lễ tiễn bệnh nhân ra viện ngày hôm nay (12/4).

Trước khi vào viện, bệnh nhân bị giảm oxy máu, toan chuyển hóa, sốc tim nặng, loạn nhịp tim phức tạp, ngừng tim đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn liên tục trong 20 phút, vô niệu.

Người nhà bệnh nhân cho biết, cách đây 15 ngày, bệnh nhân sốt, đau mỏi người, mệt, đau ngực, khó thở. Bệnh nhân tự điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt, sau 3 ngày mệt mỏi, khó thở. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội và được chẩn đoán viêm cơ tim cấp, chuyển đến BV Bạch Mai.

HN: Cứu sống bệnh nhân ngừng tim - 1

Bệnh nhân Mai đang được chạy máy tại bệnh viện. (Ảnh: BV)

Bệnh nhân lúc vào Khoa Hồi sức Tích cực, Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai rất tỉnh táo. Sau khi nhập viện được 1 giờ, chị Mai khó thở, nhịp tim 150 lần/phút, đau ngực, điện tim có hình ảnh nhịp nhanh thất và rung thất, mất ý thức, mất mạch bẹn nên các bác sĩ phải ép tim ngoài lồng ngực, đặt nội khí quản thở máy....

Sau 20 phút cấp cứu tích cực, nhịp tim bệnh nhân đập trở lại, HA 70/40 mmHg.

TS. Tạ Mạnh Cường, Khoa C1, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán đây là một ca viêm cơ tim cấp, tiên lượng rất nặng có nguy cơ tử vong cao nên đã hội chẩn với bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực để xem xét làm tim phổi nhân tạo sớm cho bệnh nhân. Sau khi hội chẩn, chúng tôi quyết định sẽ chuyển bệnh nhân đến khoa Khoa Hồi sức tích cực để làm tim phổi nhân tạo.

"Điều làm chúng tôi lo lắng nhất là bệnh nhân có ngừng tuần hoàn trong thời gian khá dài có thể làm não bệnh nhân ảnh hưởng nặng nề thậm chí không hồi phục. Tuy nhiên, sau khi theo dõi, chúng tôi thấy bệnh nhân có đáp ứng với kích thích đau, không có dấu hiệu thiếu sót thần kinh đáng kể", TS. Tạ Mạnh Cường nói.

Bệnh nhân được theo dõi các biến chứng như chảy máu phổi, tiêu hóa, bàng quang….

Sau 7 ngày được hỗ trợ tim phổi ngoài cơ thể, sức khỏe bệnh nhân tốt lên, các bác sĩ giảm dần mức hỗ trợ và ngừng hẳn kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO), rút nội khí quản, bệnh nhân thở oxy 2 ngày sau đó.

HN: Cứu sống bệnh nhân ngừng tim - 2

Các bác sĩ trong buổi lễ tiễn bệnh nhân ra viện

Theo các bác sĩ, hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể trong điều trị cho bệnh nhân viêm cơ tim nhằm đảm bảo cung lượng tim và tưới máu các tạng, và chỉ sử dụng các thuốc tăng co bóp cơ tim ở mức tối thiểu nếu cần cho đến khi cơ tim hồi phục. Có nhiều biện pháp hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể, bơm bóng nội động mạch chủ, dụng cụ hỗ trợ tâm thất, màng trao đổi oxy ngoài cơ thể hay còn gọi là tim phổi nhân tạo tại giường). Viêm cơ tim tối cấp trơ với điều trị thường quy thường có tỉ lệ tử vong từ 50 đến 70% nếu không được ngay lập tức hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể.

Dụng cụ hỗ trợ tâm thất đã được chứng minh là có cải thiện tỉ lệ tử vong trong viêm cơ tim cấp. Các bác sĩ đã sử dụng kĩ thuật hỗ trợ thất trái và bơm bóng nội động mạch chủ không được áp dụng thường xuyên tại các đơn vị cấp cứu tim mạch nên không áp dụng được cho bệnh nhân này.

Theo các bác sĩ, hệ thống tim phổi nhân tạo tại giường giúp cấp cứu cho bệnh nhân trong vòng 20 – 30 phút, không phải mở xương ức. Đây là biện pháp duy nhất thích hợp trường hợp bị ngừng tuần hoàn. Theo y văn, viêm cơ tim tối cấp thường có xu hướng phục hồi trong vòng vai tuần và lựa chọn ECMO là thích hợp cho viêm cơ tim cấp có sốc không thể điều trị nội khoa.

Viêm cơ tim tối cấp là một tình trạng cơ tim bị viêm, thường do virus, vi khuẩn hoặc nhiễm đơn bào, độc tính của thuốc hoặc do phản ứng miễn dịch. Viêm cơ tim tối cấp được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính với những biểu hiện suy sụp tuần hoàn trầm trọng.

Trong giai đoạn sớm của bệnh, việc chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp rất khó khăn. Nó có thể bị chẩn đoán nhầm với sốc nhiễm khuẩn, cũng có biểu hiện giảm chức năng co bóp cơ tim và tăng nhẹ troponin I.

Viêm cơ tim tối cấp có biểu hiện lâm sàng khác với viêm cơ tim cấp. Viêm cơ tim tối cấp được chẩn đoán dựa vào biểu hiện lâm sàng như suy tuần hoàn trầm trọng, các triệu chứng khởi phát nhanh, và sốt. Mặt khác, viêm cơ tim thường ít khi có biểu hiện suy tuần hoàn trầm trọng. Viêm cơ tim  cấp không có điều trị đặc hiệu.

Vì vậy, điều trị hỗ trợ là chính. Khi nghĩ đến viêm cơ tim cấp cần phải chuẩn bị nhiều biện pháp điều trị như hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể trước khi có biểu hiện suy đa tạng nặng.  Bằng những điều trị thích hợp, viêm cơ tim tối cấp thường hồi phục trong thời gian ngắn và có tiên lượng lâu dài tốt hơn so với viêm cơ tim.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN